Thư viện truyện cho mobile. truyện kiếm hiệp,truyện cổ tích, truyện tiếu lâm Công khai xét tuyển NV2, NV3: Học sinh mừng, trường lo - NhatKy10x.Wap.Sh
Công khai xét tuyển NV2, NV3: Học sinh mừng, trường lo
Bộ GD-ĐT vừa có chủ trương, năm nay các trường thực hiện tuyển NV2, NV3 theo tinh thần công khai minh bạch. Thông tin tuyển sinh được cập nhật liên tục trên internet để thí sinh và phụ huynh nắm được tình hình, từ đó quyết định chờ kết quả hay rút hồ sơ xin đăng ký ở trường khác.
Trước thông tin Bộ GD - ĐT có chủ trương công khai xét tuyển NV2, NV3, nhiều thí sinh, phụ huynh rất vui mừng vì nếu được thực hiện, thí sinh sẽ có thêm cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, thông tin này lại là mỗi lo của không ít trường ĐH, CĐ.
Hay nhưng khó
Theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng, việc thay đổi theo hướng công khai là tốt, giúp cả trường và trò chủ động hơn về tình hình hồ sơ xét tuyển. “Trước đây, các trường cứ nhận hồ sơ về để đấy như một hộp đen cho đến lúc hết thời hạn nhận mới kiểm tra, thống kê, đưa ra điểm chuẩn xét tuyển. Nếu cập nhật được từng ngày thì trường cũng chủ động hơn trong công tác tuyển sinh của trường mình”, ông Nghị nói.
Tuy nhiên, ông Nghị cho rằng, việc công khai trên website cũng có nhiều vấn đề tế nhị. Ví như trường nhận được nhiều hồ sơ cũng sợ thí sinh thấy thế xin rút, trường nhận được ít hồ sơ cũng ngại công bố vì điều đó cho thấy uy tín trường thấp. Ngoài ra, cũng không ai kiểm soát được việc các trường đã nhận được bao nhiêu nên khó có thể đảm bảo thông tin trên website là hoàn toàn chính xác.
Công khai xét tuyển NV2, NV3 sẽ giúp thí sinh thêm cơ hội trúng tuyển. Trong ảnh: Tư vấn NV2 tại trường ĐH Phương Đông Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên
Bên cạnh đó, theo ông Nghị, nếu cho học sinh rút hồ sơ thì cần xác định mốc thời gian cụ thể là rút vào thời điểm nào? Trước hay sau khi trường chốt hồ sơ trúng tuyển? Nếu nay thí sinh nộp vào, mai lại xin rút ra thì các trường sẽ rất thụ động.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tư, Trưởng phòng đào tạo ĐH Phú Xuân, cũng cho rằng việc cho phép thí sinh tự do rút hồ sơ có lợi cho thí sinh nhưng sẽ gây xáo trộn trong công tác xét tuyển của trường. “Trong thời gian tuyển sinh, trường có rất nhiều việc hành chính phải làm nên nếu thỉnh thoảng lại có học sinh đến xin rút hồ sơ sẽ rất mất thời gian và khó kiểm soát tình hình tuyển sinh”, ông Tư nói.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Vui, Hiệu phó ĐH Tây Nguyên, việc nhận hồ sơ đến đâu xét tuyển đến đó sẽ khiến việc xác định điểm chuẩn có thể không chuẩn. “Bởi lẽ, thường thì khi nhận được hồ sơ xét tuyển, chúng tôi sẽ xét từ cao xuống thấp. Những thí sinh nộp sau có thể có điểm cao hơn những thí sinh nộp trước. Việc xét tuyển cần có thời gian thì mới lựa chọn chính xác được”, ông Vui nói.
Việc nên làm
Trái với tâm trạng lo ngại của các trường, hầu hết thí sính, phụ huynh lại tỏ ra mừng rỡ khi nghe nói đến chủ trương thay đổi phương thức xét tuyển NV2, NV3. Ngô Mỹ Linh, học sinh lớp 12, THPT Văn Lang (Quảng Ninh), hớn hở: “Nếu chủ trương này được thực hiện thì thuận lợi cho chúng em quá! Như vậy chúng em sẽ có nhiều hơn ba cơ hội trúng tuyến ĐH”.
Mừng hơn cả là các thí sinh tự do. Dương Nga, quê thị xã Cao Bằng, cho biết năm ngoái Nga thi ĐH Thương Mại được 13,5 điểm và cũng không trúng tuyển NV2, NV3 trường nào. “Năm ngoái thấy điểm chuẩn trường nào vừa với điểm của mình thì chúng em cứ nộp liều vào đó chứ chẳng biết có trúng tuyển không. Nếu năm nay các trường thường xuyên cập nhật thông tin để chúng em biết tình hình để thay đổi nguyện vọng thì tốt quá. Sự thay đổi này sẽ giúp chúng em tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi”, Nga hí hửng.
Không chỉ thí sinh mà phụ huynh và giáo viên THPT cũng tỏ ra rất phấn khởi khi nghe thông tin này. Chị Nguyễn Thu Trinh, phụ huynh học sinh THPT Yên Hòa, chia sẻ: “Kỳ thi tuyển sinh có ý nghĩa rất quan trọng với học sinh, gia đình nên những thay đổi có lợi cho thí sinh chúng tôi đều ủng hộ. Thay đổi về phương thức xét tuyển NV2 theo hướng Bộ đang bàn sẽ giúp con chúng tôi có thêm cơ hội lựa chọn trường vừa sức với mình. Như vậy, các cháu sẽ không tiếc nuối và ý thức hơn về năng lực của bản thân mình khi thi”.
Theo ông Vũ Đức Thứ, Hiệu phó trường THPT Phương Nam (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), mọi chủ trương đều nên ưu tiên quyền lợi cho thí sinh. Theo đó, việc thay đổi cách xét tuyển NV2, NV3 theo hướng có lợi cho thí sinh là việc nên làm. “Thực tế những năm trước, nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH. Nếu áp dụng hình thức xét tuyển mới này thì thí sinh sẽ không bị thiệt thòi”, ông Thứ nói.
Ngọc Anh