Thư viện truyện cho mobile. truyện kiếm hiệp,truyện cổ tích, truyện tiếu lâm Cổng trường đại học cao vời vợi ? - NhatKy10x.Wap.Sh
Cổng trường đại học cao vời vợi ?
Giám thị nhìn em giám thị cười.
Em nhìn giám thị lệ tuôn rơi.
Cổng trường Đại học cao vời vợi.
Đồng ruộng mênh mông đón em về.....
Ngày xưa giám thị cũng đi thi
Cũng quay cũng chép cũng coppy
Mà sao giám thị nay khó qua'
Em vừa giở sách đã bị ghi
Giám thị nhìn em giám thị cười
Em nhìn giám thị nước mắt rơi
Cổng trường đại học cao vời vợi
Năm nào cũng có lắm kẻ rơi
Có kẻ học dốt lên thi rớt
Có kẻ tài năng cũng kêu trời
KenglinK – Mùa thi ĐH đã đến, nhìn sĩ tử nô nức đổ về thành phố, nơi tập trung các trường đại học để ứng thí, làm tôi bồi hồi nhớ lại cách đây 10 năm, rõ như những thước phim quay chậm thủa nào. Tôi của tuổi 18 cũng từng gói ghém bao nhiêu lo lắng trong hành trang thi cử tụ họp về đất thủ đô, không chỉ là quan tâm đến bài vở dung nạp vào đầu được bao nhiêu, mà còn là nỗi lo về nơi ăn chốn ở, đi lại, văn hóa ứng xử ở một môi trường hoàn toàn khác biệt.
Bởi thế tôi sẽ thực hiện một chuyên đề LỜI DẶN SĨ TỬ: ĐỪNG ẢO TƯỞNG ĐẠI HỌC LÀ THIÊN ĐƯỜNG ghi lại ký ức sinh viên của mình với các giai đoạn: 1. Thi ĐH, 2. Đời Sinh viên, 3. Về Giáo viên, 4. Hành trang bước vào đời. Với các kinh nghiệm và định kiến của bản thân, tôi hy vọng phần nào lột tả được bộ mặt của giáo dục trong vòng 10 năm trở lại đây. Mong rằng ngành GD đã có những biến đổi tốt đẹp hơn, để không SV nào gặp phải những vấn đề như tôi đã từng trải qua!
Phần 1. CỔNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CAO VỜI VỢI
Năm 2001, lần đầu tiền Bộ GD&ĐT thử nghiệm tuyển sinh ĐH giảm xuống còn 4 khối thi: A, B, C, D và mở làm 2 đợt cách nhau khoảng một tuần và tất nhiên chưa có chuyện nguyện vọng 2. Tôi đăng ký thi khối D, vì nghĩ mình chẳng cần phải ôn nhiều.
Trước khi thi, tôi chuẩn bị sẵn tâm thế: trượt ĐH thì sẽ đi làm, năm sau thi tiếp, bởi những anh những chị khóa trước tôi, học hành tanh tưởi lắm, mà vẫm rớt ầm ầm. Song ngồi trong phòng thi rồi tôi mới nhủ thầm: thi ĐH chẳng có gì khó, sao mấy người học giỏi hơn mình lại trượt được nhỉ? Ngay từ khi mới thi xong 2 môn của trường đầu tiên (PVBCTT) tôi đã dũng cảm nói với người nhà: Phòng thi có 36 đứa, nếu lấy 5 chắc chắn có tôi (1 chọi 7), nếu lấy 3 cũng có tôi (1 chọi 13), thậm chí nếu lấy 1 đứa thì đó cũng sẽ là tôi (1 chọi 36). Vì không thể tưởng tượng nổi thi ĐH, môn văn thôi mà sao nhiều bạn lôi tài liệu ra chép thế? Nhưng đến đợt thi thứ 2 (ĐHNN) tôi chỉ chỉ mong mình đậu cả 2 trường cho vẻ vang thôi. Thi xong tôi trở về quê, chờ đợi kết quả qua những ngày hè nóng bức.
Hơn tháng sau, PVBCTT là một trong những trường có điểm đầu tiên, cậu mợ tôi gọi điện về báo đã nhìn thấy tên tôi trên bảng vàng (gọi vậy cho sang), dặn mẹ tôi chuẩn bị tài nguyên để con gái đi học xa nhà. Rồi đến lúc những trường cuối cùng công bố điểm, tôi nhảy tưng tưng khi xem điểm mình thi vào ĐHNN qua mạng (8+7.5+7, hệ số 2 môn NN là được 31 điểm), tôi tin mình cũng đậu cả trường này khi mà năm thi trước điểm chuẩn chỉ là 23. Vậy mà vài ngày sau niềm kiêu hãnh của tôi tắt lụi khi không ai có thể ngờ điểm chuẩn năm nay cao đột ngột 32,5. Vậy là số phận an bài tôi sẽ làm sinh viên của PVBCTT.
Nhưng tôi chờ hoài không thấy giấy báo điểm cũng như giấy báo nhập học, cậu mợ tôi gọi điện nói đã vào phòng tuyển sinh của trường hỏi và được người ta thông báo: Giấy đã gửi, cứ yên tâm về nhà chờ. Đến giữa tháng 8, bị mẹ hối thúc tôi đánh bạo lên trường, vác vẻ lơ ngơ trên khuôn mặt vào gặp trưởng phòng tuyển sinh để hỏi về trường hợp chậm giấy báo của mình. Còn nhớ ngày đó, tôi vừa mới bước vào căn phòng xếp chồng chồng những bó hồ sơ thỏ thẻ đặt vấn đề với vị ‘thầy’ rằng: ‘Em muốn hỏi về trường hợp abc…’, thì ông thầy hỏi ngược lại: ‘Tên là Linh đúng không, giấy gửi hết rồi, về nhà chờ đi, chắc mai nhận được đấy!’. Cả vú lấp miệng em thế nên tôi không biết hỏi gì thêm, đi về như lời ông thầy bảo. Thêm cả mười mấy cái ‘ngày mai’ trôi qua mà giấy báo nhập học vẫn không theo cánh thư đậu trên tay tôi. Gia đình tôi bắt đầu hoài nghi, nhờ dịch vụ xem điểm qua mạng thì họ nói không tìm thấy tên tôi trong danh sách thí sinh, dịch vụ xem điểm qua điện thoại cũng trả lời y như vậy. Cứ như là tên tôi bị xóa sạch khỏi hệ thống… nhưng cậu mợ đã xem điểm, ông thầy cũng đã nói tôi sẽ nhận được giấy báo nhập học. Vậy chuyện gì đang xảy ra?
Ngày các em học sinh nhập trường, mẹ tôi vác cả bộ hồ sơ thương binh, huy chương kháng chiến lên HN, xộc vào văn phòng tuyển sinh của PVBCTT hỏi cho ra lẽ (mẹ tôi hay có chiêu lôi thẻ thương binh ra rồi lớn tiếng hù để thúc các cơ quan Hành là Chính làm việc lắm). Nhà tôi cách HN 100km, nên mẹ đi từ sáng thì đến chiều tối về, mang theo phong bì đựng giấy báo nhập học cho tôi. Mẹ kể: “…thằng cha ‘thầy’ thấy tao định làm ầm ĩ lên thế là mở cặp lấy ra phong bì có đề sẵn tên mày đưa cho. Tao nhìn thấy còn 5, 6 cái nữa, chắc là của mấy đứa ở xa xôi như mày, không nhận được giấy báo đỗ rồi cứ nghĩ là mình trượt”. Mẹ còn bảo, nhìn cái thái độ của thằng cha ‘thầy’ mà muốn trào máu, tính chửi cho nó một trận nhưng nghĩ con mình sau này học trong trường nên không dám gây chuyện bất lợi. Giữa tháng 9 tôi nhập trường kèm theo tâm trạng vui sướng âm thầm vì cho là mình may mắn vì biết đeo bám khiếu kiện.
Khi tôi còn học phổ thông, các thầy cô trường huyện luôn giáo huấn “cổng trường ĐH cao vời vợi” nên tôi nghĩ giảng đường ĐH sẽ toàn màu hồng, đời tôi bước vào một trang tươi sáng rạng rỡ (so với những bạn trượt hoặc không được đi học ĐH đó). Song đến khi trở thành sinh viên, sống trong KTX, ngày ngày mài đũng quần trong những căn phòng lớn hơn để chép bài hoặc ngủ, tôi mới nhận ra đó là một môi trường nhiều mảng tối hơn: Kẻ nào nhiều tiền thì nổi bật, sáng chói, ‘dân đen’ thì cứ thế mà đen. Như thể ĐH dạy tôi kiến thức thì ít mà để tôi học về những bất công, tiêu cực thì nhiều.
Kết luận:
Bạn có thể trượt ĐH vì các lý do:
1. Bạn thực sự dốt (rất khó cải thiện)
2. Bạn làm tốt bài thi nhưng trong khâu tuyển sinh và chấm thi có tiêu cực (thường ngoài tầm kiểm soát)
3. Bạn làm bài cực tốt, nhưng bạn viết quá cẩu thả khiến người chấm thi không nhìn ra được. Đây là trường hợp của người đã ôn môn toán cho mình. Anh này học trước mình 1 khóa, cực siêu toán-lý-hoá, thầy giáo ra đề mình chưa kịp suy nghĩ thì anh ấy đã giải xong. Ai cũng băn khoăn sao người giỏi như thế mà lại trượt ĐH, và mình phát hiện ra là anh ấy giải bài quá nhanh nên ngoáy chữ ‘a’ nhìn như chữ ‘c’ vì luôn thiếu cái ‘móc câu’. (trong trường hợp này chỉ cần viết nắn nót, cẩn thận hơn)
4. Lý do cuối cùng, thì chắc là bạn bỏ môn thi hoặc vi phạm quy chế thi thôi!
2. Dân đen len lỏi giữa rừng Con ông cháu cha
Trường ĐH nào nhiều con ông cháu cha nhất? (xin viết tắt là CÔCC). Khó mà có thể trả lời chính xác nhưng chắc chắn các nhóm trường đạo tạo chuyên ngành đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh ít sẽ nằm đầu bảng. Và tất nhiên trường tôi là một điển hình vì mỗi năm đầu vào từ nguồn học sinh chỉ có 200 người.
Không ai biết chính xác lớp chúng tôi (những đứa dân đen rặt) có bao nhiêu phần trăm là CÔCC. Năm thứ nhất chúng tôi nghĩ khoảng 65%, và chúng tôi không ngừng truyền tai nhau rằng con nhỏ này chạy vào trường hết 3 ngàn đô, con nhỏ kia chuyển hộ khẩu từ HN lên miền núi để được cộng 3-4 điểm vùng cao, vùng xa mới đậu được vào trường,… Đến năm thứ 2, thứ 3, trong một vài trường hợp ngặt nghèo, chúng tôi lại phát hiện ra thêm những đứa tưởng là xuất thân trắng như mình thực ra lại là con cháu của ông nọ, bà kia cực to, chẳng qua là nó biết cách che đậy khá kín đáo từ đầu. Thậm chí đến tận khi ra trường, tôi vẫn không ngừng nối dài danh sách CÔCC vì những tiết lộ vô tư sau chuyện đã rồi. Kiểu như một cô bạn chung lớp kể hôm thi tốt nghiệp (gồm 2 môn: chuyên ngành và chính trị tổng hợp) không làm được bài, sợ quá gọi điện cho bác là trưởng khoa XYZ, bác bảo yên tâm để bác lo, rồi mới qua trót lọt. Thảo nào hôm đó ngồi chung phòng, cô ấy cắn bút, loay hoay không biết viết gì mà đến khi có kết quả thi, điểm cô ấy cao ngất ngưởng, cao hơn cả một vài người được bảo vệ luận văn. Vậy nên tôi mạo muội kết luận, cái lớp học sĩ số 55 đứa phải có đến 90% là con cháu của các vị đáng kính trong trường hoặc liên quan đến trường.
Học chung với các bạn CÔCC thực ra cũng không bất lợi hoàn toàn. Lâu lâu tôi không đủ điều kiện thi học kỳ vì bỏ bài kiểm tra trình hoặc bị đánh dấu bài vì tội quay cóp, trao đổi trong khi thi đều được trắng án, bởi trong danh sách vi phạm có một vài bạn nào đó là con là cháu của một thầy, một cô nào đó có tiếng nói đáng nể với những người ra quyết định phạt. Nên trong bảng điểm của tôi, không có một con số nào nằm ở cột thứ 2, đến nỗi có lần tôi được khen: “Trời ơi, con nhỏ này không phải là sinh viên rồi!”. (Đại ý: Không thi lại không phải là sinh viên đó mà!)
Nhưng xuất thân trắng, làm dân đen sẽ đồng nghĩa với những tủi thân tỵ hiềm ghê lắm. Đại loại như: “Sao ngày xưa mình đâm đầu vào trường này làm gì?”, hoặc có lý do để ngụy biện cho thành tích kém cỏi: “Mình đua với tụi CÔCC sao được, điểm có thấp cũng chưa chắc mình dốt”,… Dẫn đến hệ quả là tôi đi học mà thực sự không biết chính xác lực học của mình nằm ở đâu nữa. Có những môn tôi chăm chỉ học, ngời ngời tự tin khi đi thi thì điểm thấp lẹt đẹt, những môn khác không biết chính xác một câu trong giáo trình, viết nhăng viết cuội vào bài thì điểm lại có vẻ chót vót. Nhớ có lần tôi nộp bài tiểu luận (viết bằng tay chứ không có tiền thuê đánh máy như các bạn giàu có khác) và được điểm 9 cao nhất lớp, các bạn học không ngần ngại nói với tôi: “Điểm của cậu cao chắc do các thầy nhầm sang bài của nhỏ Linh BG, vì 2 đứa trùng tên…”. Bên lề chuyện học hành, những vấn đề khác cũng được phân biệt rạch ròi thân thế. Có một lần tôi vi phạm lỗi ứng xử ngoài xã hội, bị thông báo về trường, trước khi xử lý cô phụ trách phòng hành chính hỏi: “Em có là con cháu thầy cô nào không?”. Lúc trả lời: “Không ạ!” đồng nghĩa với việc tôi chuẩn bị sẵn tư tưởng mình lãnh mức án nghiêm ngặt nhất. Ngày đó nếu không vì tôi xảo ngôn, biết lách vào khe hở giữa mối liên hệ giữa nhà trường với bên hành pháp, thì có lẽ đã bị đuổi học.
Tôi chỉ có 4 năm ĐH thôi, nhưng đó là quãng thời gian tác động đến nhân cách mạnh mẽ nhất. Tôi tiếp nhận được sự kỳ thị giữa đám thành phố với dân tỉnh lẽ, những ứng xử bất công của giáo viên với các loại hình sinh viên, sức mạnh của đồng tiền và cơ cấu,… hiển nhiên trường ĐH trở thành môi trường méo mó đầu tiên tôi luyện tôi thành công dân như hiện tại. Chấp nhận bất công, học cách giảo hoạt, chứ không phải cố gắng làm một con người chính trực giữ cho cán cân xã hội thăng bằng.