Đời Đường, năm Hội-Xương thứ 5 (845), tiết mục nói về cách tuyển-cử: "An-nam đưa vào thi tiến-sĩ không được quá tám người, minh-kinh không được quá mười người".
Xét theo phép đời nhà Đường, chức-vụ của các quan phiên-trấn: đô-hộ An-nam và Phong-Châu có nhiệm-vụ đề-phòng đường bộ, đừng cho người nước Chân-Lạp vào Lĩnh-Nam mua khí-giới và ngựa. Các khê, động ở phiên-tấn, nơi nào ương-ngạnh, cần phải trấn áp, thì các vị đô-đốc ở năm châu: Giao, Quảng, Ung, Quế và Dung, ba năm một lần, phải đem quân đi tuần áp, đi đến đâu làm trạng tâu về vua nghe. Các biên quận lo việc đón tiếp và hướng dẫn, các thủ-lĩnh ở các phiên-trấn lo chỉnh bị nghi-thức. Thục-quân, Nam-Hải, An-nam đều cho sử-dụng từ 300 quân kỵ giở xuống. Dưới quyền quản-trị của các đô-đốc-phủ các quận Quế, Quảng, Ung, Dung, An-nam, Kiếm-Nam, có những bộ-lạc lớn, cần phải tra vấn nhân-số giáp binh, phụ-huynh các bộ-lạc ấy, nếu có người tính nết tốt, làm việc giỏi, có văn vũ tài lược, mỗi năm biên tên tâu về vua nghe để tùy tài sử dụng.
Các quan và gia-quyến các quận An-nam, Quế-Châu và Quảng-Châu, mỗi lúc phó nhiệm, được cấp phát ngựa trạm như sau:
Sách Dịch-Viên Tùng-Chí 1, nói rằng: "mỗi lúc phong vương hay ban tiết việt cho các quận-trưởng các nước Mán, nội thuộc Trung-Quốc, chỉ có An-nam và Hạ-Châu thì quan học-sĩ thảo tờ chế-sắc, còn các xứ khác thì không cần.
Sử-Thông 2 chép rằng: "Xóm ở 10 nhà, tất có người trung tín; muốn lưu truyền bất hủ, công truyền bá nhờ ở nơi người. Vì sao Giao-Châu xa ở phương nam, dòng giống của Việt-Thường, Đôn-Hoàng ở tận Tây-Vực, quê hương của Côn-Nhung, nhơn-vật của hai xứ ấy, từ xưa không thấy truyền chép? Bởi vì ở tận nước ngoài, đường xa kẻ chợ, cho nên sử-quan không ghi chép đến vậy. May nhờ có Sĩ-Nhiếp chép truyện, Lưu-Bính viết sách, mà anh-tài lỗi lạc hai xứ ấy mới được lưu danh. Nếu hai nhà hiền-giả không ra đời, việc hai quận ấy không có sách chép, thì các bậc quân-tử ở biên quận, làm sao truyền tiếng đến đời sau. Do đó, biết công việc trước thuật có hiệu-lực rất lớn, chẳng phải cùng nghề mọn thơ phú, so sánh hơn thua vậy".
Lời tâu của Lục-Tuyên-Công bàn về việc Kinh-Lược-Sứ Lĩnh-Nam xin đặt sở thị-bạc (cũng như sở đại-lý mua hàng) ở An-nam và phái Trung-sứ qua giám-thị: Lĩnh-Nam Tiết-Độ Kinh-Lược-Sứ tâu rằng: "Gần đây có nhiều thuyền qua An-nam mua vật-dụng để dâng lên vua, công việc lớn lao, sợ đồ cung cấp không đủ. Nay tôi muốn sai phán-quan qua An-nam thu mãi vật-hạng, xin triều-đình phái một vị Trung-sứ cùng với Sứ-ty của tôi, đồng đi công-tác, ngõ hầu tránh việc gian dối. Mong xin Thánh-chỉ chuẩn-y". Thiết nghĩ: "Những kẻ buôn bán nước ngoài chỉ cầu mối lợi, được yên vỗ thì đến, bị quấy nhiễu thì đi. Quảng-Châu là nơi đô-hội trọng-yếu, có tiếng dân đông, của nhiều. Chỉ vì bọn giao dịch xâm khắc quá chừng, mất cả ý-nghĩa làm cho người xa cảm mến. Đã không biết tự-trách, còn vượt ra ngoài chức-vị của mình. Ngọc nát trong hòm, vì ai nên nỗi, châu đời ngoài cõi, bao thuở trở về. Kinh-thơ nói rằng: "Không quí vật ở phương xa, thì người xa đến". Nay đã ham muốn như thế, cho nên phương xa không qui phục là phải. Huống nay muốn làm dao động lòng vua, xin sai Trung-sứ, tỏ lòng tham cho thiên-hạ, thông hối-lộ với triều-đình, quấy nhơ thời buổi thanh bình, thương-tổn Thánh-triều phong-hóa, phép nên trách phạt, việc khó y theo. Vã lại, Lĩnh-Nam, Annam, đâu chẳng là đất nước của vua, Trung-sứ, Ngoại-sứ, ai cũng là tôi vua. Nếu cần việc nước, việc quân, đã có phép thường lệ cũ. Người lo tròn chức, nước tự thừa dùng. Hà tất tin Lĩnh-Nam mà cự tuyệt An-nam, trọng Trung-sứ mà xem khinh Ngoại-sứ, đã trái hẳn tấm lòng thành thực, lại tổn thương phonghóa khinh tài.
Lời tấu-nghị của Tuyên-Công đều bị im, không đưa ra bàn luận.
Bài văn của Liễu-Tử-Hậu làm cho quan Thị-ngự An-Nam họ Dương tế quan Đô-Hộ họ Trương
Duy: Ngày... tháng... năm... cố-lại mổ, quan-chức mổ, kính tế trước linh-vị Cố Đô-Hộ Ngự-Sử Trung-Thừa Trương-Công mà than rằng:
"Giao-Châu rộng lớn, xa tít chân trời phương nam, công-đức của vua Hạ-Vũ không thi-thố đến nơi và cường-quyền của nhà Bạo-Tần không chế-ngự nổi. Khi làm phản, lúc xưng thần, từ đời Hán trở lại đây, luôn luôn như thế.
Thánh-thiên-tử nhà Đường ta tuyên dương phong-hóa, ban đầu chẳng mấy lúc được yên. Dần dần phong-tục thay đổi, dân-tộc "tóc cài áo cỏ", hướng hóa xưng thần, cuối cùng trở nên như người Trung-Hoa, thấm nhuần hòa-thuận. Trị công của Sĩ-Nhiếp, chỉ có ông nối được, lúc nào ông cũng siêng năng, biết lo xa, rộng thi ân huệ, bồi đắp công-nghiệp của tiên-nhân đã lập trụ đồng làm tiêu biểu ở phương nam. Đi từ phương bắc qua trấn ngự man-khu; liền liền xe ngựa, phới phới sinh kỳ, làm cho Giao-Châu trở nên một xứ phồn-hoa đô-hội, thấm nhuần oai đức của nhà vua. Ông đương được nhà vua tin yêu, đáng lẽ được phong tước công-hầu, nhưng tiếng ông vừa đồn về Kinh-Sư vang dậy, thì hồn ông đã sớm lìa cõi thế ở đất Viêm-Châu. Than-ôi! Thương thay! Nhớ lại ngày xưa, lúc ông mới bước chân vào đường quan-lại, đã nổi tiếng tài cán thanh liêm, đến lúc qua làm kinh-lược phán-quan ở An-nam, giữ đúng mực thước, những kẻ cô quả được yên, thuế khoá đầy đủ. Dời qua làm chức Trụ-sử, kế thăng chức Tào-Lang, ở đâu cũng có chính-tích tốt, dân duyên-hải được hưởng sự an-ninh. Nay triều-đình chuyên nhiệm ông qua làm đô-hộ ở phương nam, lễ ban rất hậu, ân tứ rất nhiều. Ông mở phủ-đường tuyển dụng nhân-tài, bao nhiêu kẻ lương-năng đều về làm thuộc lại. Tự xét kẻ hèn mọn nầy, đâu dám mong được chọn lựa. May đâu ơn trên sai khiến, được tuyển bổ làm chức An-nam Thị-Ngự.
Tôi vừa toan chờ ngày đăng trình phó nhậm, quản bao đường sá xa xuôi. Đi được nửa đường, gặp người anh bị trích ra làm quan ngoại-quận, cùng nhau lưu luyến khóc lóc, thành ra trễ nãi. Vả thê-tử không có, chiếc bóng bơ-vơ, thân lưu ở giang biên, mộng ra ngoài thiên-tế. Chậm bề phục-dịch, trằn-trọc lo âu, thành thử sinh ra thương cảm. Chỉ chờ hết bề lo lắng, kíp kíp lên đường, ngờ đâu trời chẳng chìu người, hạn tai không tránh khỏi, vừa toan thượng lộ, thì hung tín đã đưa đến nơi. Vật mình tức tối, sững sốt bi ai, đã không kịp thấy dung-nhan, khốn nỗi báo đền ân-đức. Nay kính dâng lễ bạc, vọng bái trước xe tang, Nam-Câu một chén rượu suông, tả tình u-uất.
Đời Đường, Trịnh-Điền, tên chữ Thai-Văn, làm tướng triều Hy-Tông. Nguyên trước đội Nam-binh ở ba châu Giao, Quảng và Ung, vận lương do năm đường Lĩnh-Bắc, thuyền bè chuyển vận qua lại, hay bị chìm đắm. Điền xin lấy lợi muối và sắt ở Lĩnh-Nam, giao cho Tiết-Độ Quảng-Châu hằng năm nấu nước biển lấy muối cung cấp cho An-nam, bãi việc vận lương ở mấy châu Kinh, Hồng, quân lương nhờ vậy được đầy đủ. Sau Vương-Sư-Phủ làm Hồng-Quân Phó-Sứ Lĩnh-Nam, xin đừng tiến binh mà hiến tiền thêm hai mươi vạn. Kinh-Lược-Sứ kêu nài rất gắt, nhưng Sư-Phủ thấy lợi nhử triều-đình, toan đoạt binh quyền,việc không được, bèn thôi.
Đời Tống, Hứa-Trọng-Tuyên, tên chữ Hy-Xán, người quận Bắc-Hải, Thanh-Châu, đậu tiến-sĩ, được bổ làm chủ-bộ Tào-Châu. Lúc mới tuyển-bổ, được vào tâu việc ở đền riêng của vua. Thái-Tổ nghe tiếng, cất lên làm chức Thái-Tử Trung-Doãn, coi Bắc-Hải quân-khu và làm chức Chinh-Nam Mã-Bộ-Quân Chuyển-Vận-Sứ. Thái-Tông dấy binh đánh Giao-Chỉ, không được thắng lợi. Trọng-Tuyên cho rằng đất Giao-Chỉ oi-bức độc-địa, quân lính chưa giao-chiến, mười phần đã chết mất hai ba, tuy đánh hơn cũng không giữ được, bèn dâng sớ điều-trần phản-kháng. Lại e ngày giờ trể nãi, lập tức tự tiện bãi binh, khiến các quận phát tiền kho cấp thưởng cho quân-sĩ, rồi dâng sớ tự nhận tội kiểu-chiếu (tự tay thay đổi chiếu chỉ nhà vua) của mình. Vua Thái-Tông khen ngợi, xuống chiếu ban khen. Trọng-Tuyên liền thảo hịch-văn chiêu-dụ cừ-soái Giao-Châu. Giao-Châu muốn nạp lễ xin nội-phụ, lo việc cống-hiến. Trọng-Tuyên được thăng hàm Gián-Nghị đại-phu, lĩnh chức quân-sứ như trước. Đời Tống, Dương-Hữu, vào khoảng đầu niên-hiệu Thiệu-Hưng (1131), làm Thái-Thú Khâm-Châu. Lúc ấy có sứ Giao-Chỉ tranh luận về giới-hạn ruộng đất. Hữu cắm một cây thương bằng sắt ở giữa sân và nói rằng: "Nếu muốn tranh địa-giới, thì đánh nhau một trận để quyết hơn thua". Sứ Giao-Châu sợ hãi lui ra. Người trong nước nhớ việc ấy, gọi Dương-Hữu là Dương-Thiết-Thương.
Năm Diên-Hựu thứ 7 (1320) nhà Đại-Nguyên, dân bần cùng ở Hải-Nam bắt con gái của dân chúng đem vào An-nam bán làm con ở. Quốc-chủ nghe việc ấy, khiến người theo bắt được bọn cướp người và truy hồi các người bị bán, khiến sứ đưa về phủ Nguyên-Soái ở Hải-Nam.
Thơ đề Vịnh của Danh-hiền các Triều-đại
Thơ của Lục-Sĩ-Hoành tặng Thứ-Sử Giao-Chỉ là Cổ-Bí tự Công-Chân 3
Cố-Hầu gặp buổi thịnh,
Hoạn lộ lướt thanh phong.
Phiên-Hậu 4 từng vua giúp,
Nam-Châu lại ruỗi giong.
Trống vang ngoài năm núi,
Cờ phất vượt muôn trùng.
Dù nhỏ, nên lánh trọc,
Chẳng to, cũng lập công.
Non cao chi ngại vượt,
Bể cả chỉ quanh vòng.
Buồn bã xem diều liệng,
Cờ về nhướng cổ trông.
Thơ của Thẩm-Thuyên-Kỳ khi bị biếm sang Hoan-Châu (2 bài)
Bài thứ 1
Nghe đồn Giao-Chỉ quận,
Nam với Quán-Hung liên5
Ngày lạnh chia mùa ít,
Mặt trời bổ bóng thiên.
Úy-Đà từng dựng nước,
Sĩ-Nhiếp đã xa miền.
Làng xóm liên nhà ở,
Ngư diêm nối nghiệp truyền.
Người Giao dâng trĩ múa 6,
Tướng Hán ngắm diều lên7
Đầu bắc sườn non quẩy,
Gió nam mặt biển rền.
Biệt ly bao quản tháng,
Râu tóc đã kinh niên.
Thân thuộc than phần số,
Vợ con cắt nợ duyên.
Mộng àn, hồn bối rối,
Sầu chất, bệnh triền miên.
Thôi chớ muôn hàng lệ,
Lòng chẳng thấu Hoàng-thiên.
(Vượt bể vào Long-Biên).
Bài thứ 2
Từ trước nghe đồng trụ,
Một năm vừa trải qua.
Đất Lâm-ấp chẳng biết,
Trời đạo-minh còn xa.
Bao thuở nhuần mưa móc,
Bên trời cách Kinh-hoa.
Nhớ ai lụy chan chứa,
Tợ suối Nhật-Nam sa.
Thơ của Quyền-Đức-Dư đưa chân Đô-Hộ Bùi-Thái
Bổng đeo Giao-Chỉ ấn,
Bằng bối tạm chia tay.
Quan nhiệm dù xa cách.
Chúa lo mừng được thay.
Chu-Diên đường khuất khúc,
Phỉ-túy bay liền bầy.
Thuyền đội vượt sóng biển,
Sinh kỳ cuốn khói mây,
Cõi xa vén màn thấy,
Hang núi khói hương bay.
Bắc-Việt mừng yên vỗ,
Nam-huân sách đức dày.
Bạn thân than tạm biệt,
Công lạ chờ có ngày.
Ý-dĩ quà bên ấy,
Ngày về, dám phiền ai.
Thơ của Bì-Nhật-Hưu chê Đô-Hộ Lý-Trác làm việc quan tàn bạo, nhơn dân phản loạn
Phương nam chẳng triệu-hồi đô-hộ,
Khiến Giao-Châu một độ ngửa nghiêng.
Kể từ ba bốn năm liền,
Trung-nguyên nhục nhã liên miên lắm hồi.
Kẻ nhu nhược thụt lùi trước trận,
Người oai hùng mấy bận dùng binh.
Quân-nhu hao tốn sinh-linh,
Mấy tay chiếu-tướng mặc tình kiếm ăn.
Nạo xương-tủy nhân-dân quá-mức,
Để đem làm lương-thực quân-nhân.
Hứa-Xương hùng hổ tướng-quân,
Hơn người oai võ mười phần hiên ngang.
Mạnh như gió, kéo sang muôn kỵ,
Biến thành thây lấp bí giòng sông.
Có người sống sót hồi tông,
Muôn nhà trông thấy hãi hùng khóc than.
Tiếng ai oán lan tràn thôn dã,
Khí căm hờn đầy cả núi hang.
Ngọn cờ tiếng trống bẽ bàng,
Ai mà nghe thất cho đang tấm lòng?
Biết ai mà thở than cùng?
Dĩnh-Xuyên cổ-lục mấy trùng xa xa.
Bài đàn Việt-Thường của Hàn-Dũ
Mưa phải thì,
Vận tốt tươi,
Nào ta có ý gì với ai?
Từ thuở Thành-Chu,
Chăm chỉ gian lao,
Mở mang bờ cõi,
Lưu truyền đời sau.
Ngày nay Thánh-hoàng,
Ngự trị bốn phương.
Oai linh lừng lẫy
Ai dám khinh thường.
Nhà không bỏ trống,
Ruộng có người cày.
Việt-Thường thần phục,
Bốn bể vui vầy.
Thơ của Hứa-Hồn làm khi lên lầu Úy-Đà
Hạng, Lưu đương mãng đuổi hươu Tần 8,
Hoàng-ốc nghênh ngang chốn hải-tân.
Cậy sức Nhâm-Ngao từng dựng nước,
Nghe lời Lục-Giả lại xưng thần.
Thơ Lý-Sinh tiễn bạn đi Lĩnh-Nam
Xa khơi non nước cõi Giao-Châu,
Thương kẻ năm tàn ruổi vó câu.
Bên biển Tạ-Công ngời chất bạc,
Trên đài vua Việt thoáng nhìn trâu.
Lều tranh vượn hú trăng soi sáng,
Nhà đá cây già khói tỏa thu.
Ngảnh mặt Trường-An nửa vạn dặm,
Gốc đồng bóng mát chớ yêm lưu.
Thơ của Trương-Tịch chơi núi tặng thầy tu quận Nhật-Nam
Trong núi một sư già,
Cửa tùng khép mưa sa.
Dở kinh trên lá chuối,
Rủ áo dưới bông la 9
Xây đá mới đào giếng,
Phá rừng tự trồng trà,
Hải-nam có khách đến,
Trăm tiếng thổ, hỏi nhà.
Thơ của Tư-Mã để đền thờ Phục-Ba
Biển Nam ban lệnh Hán,
Rừng Uất đuổi binh Mường.
Đồng-trụ chia biên-giới,
Hoàng-kim cống quân-vương.
Ý gian-thần đã trải,
Lòng báo-quốc ai thương.
Lam-chướng đành trôi giạt,
Trung dũng một hòm xương.
Tăng-Uyên-Tử khách-ngụ An-Nam, thấy Tiến-Phụng-Sứ về, khẩu chiếm bốn câu
An-nam ai bảo xa xăm,
Kế-Châu có kẻ hằng năm đi về.
Giang-Nam, Giang-Bắc bạn bè,
Ba năm thư-tín, chẳng hề gửi thăm.
Dịch là nách, một bên, viên là tòa nhà. Dịch viên là hai tòa Trung-Thơ và Môn-Hạ ở hai bên cung điện nhà vua. Chưa rõ tác giả của Dịch-Viên-Tùng-Chí là ai.
Sử-Thông do Lưu-Trí-Cơ đời Đường soạn, có 20 quyển, chia ra nội thiên và ngoại thiên nói về nguồn gốc và đắc thất của sử sách.
Ở quyển thứ 8 chép là Công-Trực.
Phiên Hậu là những tước vương gần với Thiên Vương.
Nước người Mán có tục xuyên hông.
Đời nhà Đường, người Việt đem chim địch (trĩ) vào chầu và múa.
Mã Viện đời Đông-Hán khi qua đánh Trưng Trắc chưa yên, dưới thì nước lụt, trên thì mây mù, ngửa mặt thấy diều bay sà xuống nước, có ý buồn nhớ quê hương.
Lưu Bang và Hạng Vũ nổi lên tranh thiên hạ của nhà Tần ví như giành nhau một con hươu.