Đời Hậu Chu, thời Ngũ Quý (905-955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương, con gái của Lương công. Nàng có sắc đẹp lại hay chữ. Ở trọ nhà có chàng Lý Sinh, một hàn sĩ mỹ mạo tuấn tú.
Nhân một đêm Trung Thu, Ý Nương thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới.
Lương công biết được, tức giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn, từ đó sinh ra bịnh tương tư triền miên, mới làm bài khúc "Trường tương tư" mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Trong bài có những câu rất lâm ly ai oán:
Người ta bảo sông Tương rất sâu,
Nhưng chưa bằng nguồn tương tư
Sông sâu còn có đáy,
Tương tư không bờ bến.
Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương.
Tương tư không gặp mặt,
Cùng uống nước sông Tương.
Hồn mơ bay chẳng tới
Chỉ thiếu một điều chết.
Ta vào cửa tương tư,
Mới biết tương tư đau khổ!
Nguyên văn:
Nhân đạo Tương Giang thâm,
Vị để tương tư bán.
Giang thâm chung hữu để;
Tương tư vô biên ngạn.
Quân tại Tương Giang đầu,
Thiếp tại Tương Giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương Giang thủỵ
Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ!
Lý Sinh tiếp được, đọc xong, cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ với Lương ông, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng làm vợ. Ông trước còn dùng dằng, sau đọc được khúc "Trường tương tư" của con, lấy làm cảm động nên đành vui lòng cho Sinh thành mối lương duyên.
Trong "Đoạn trường tân thanh" có câu:
Sông Tương một giải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
Và trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm cũng có câu:
Chốn Hàm Dương, chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương, thiếp hãy trông sang...