watch sexy videos at nza-vids!
- Phim sexy ngủ lén với ngọc trinh rồi..!!
- Lộ clip mấy em teen nhảy khoe hàng
- tải trọn 20 bộ Tin Nhắn 8/3 ý nghĩa miễn phí



WAPSITE GIẢI TRÍ DI ĐỘNG
WWW.CHODIENTHOAI


Time: 12:59 Date: 01/12/24
MỤC LỰA CHỌN
Hồ Quý Ly
Trần Nghệ Tôn chú trọng nhất tới văn hiến. Qua thời Trần Dụ Tôn rồi Dương Nhật Lễ, triều đình không chú ý gì tới chính sự, chỉ lo hưởng lạc, nên dân rất nghèo và triều chính thì thối nát, tất cả cái cơ nghiệp điêu tàn ấy đổ hết xuống vai Trần Phủ.
Chu Văn An dạy học ở núi Chí Linh, nghe tin đảng giặc đã tan, bọn gian thần xiểm nịnh đều đã chết cả và Thăng Long nô nức đón vua mới Nghệ Tôn, ông thầy già đang ốm cũng khỏe hẳn lại. Ông chống gậy về kinh đô chúc mừng vua mới. Ông thầy già quỳ giữa sân rồng nước mắt đầm đìa sung sướng, Nghệ Tôn lật đật xuống ngai vàng đến đỡ ông dậy. thuở còn là hoàng tử. Ông được thầy Chu dạy dỗ nên vẫn lấy tình thầy trò cung kính với ông:
- Thưa thầy, học trò tài hèn đức mỏng, mới lên ngôi, nếu được thầy dạy dỗ bổ khuyết cho những chỗ non nớt của công việc chính sự...
- Tâu bệ hạ, thần nay đã quá già, lại ốm yếu luôn e không đương nổi công việc. Bệ hạ là người sáng suốt nhân từ, đó là điều đại phúc cho dân. Bệ hạ lại đã trải qua nhiều năm làm quan đầu triều, hiện nay. lại xuất hiện nhiều nhân tài... Thần chỉ mong bệ hạ coi dân như con, cùng chia sẻ vui buồn với dân... lấy vương đạo làm con đường hướng thượng.
- Thưa thầy, học trò xin lấy lời thầy dặn làm châm ngôn chính sự.
Tuy Chu Văn An không ở lại triều mà quay về làng, nhưng câu chuyện vua Nghệ Tôn không lấy lễ vua tôi, mà là lấy lễ học trò đối với thầy ra tiếp đón Chu Văn An đã làm dân Thăng Long nức lòng khâm phục và từ đấy Nghệ Tôn nổi tiếng vua hiền. Khi Chu Văn An ốm tại quê Thịnh Liệt, vua thân hành đến thăm tại nhà. Đó là nghi lễ chỉ dành riêng các đại công thần. Khi chết, lại sai quan tư đồ Trần Nguyên Đán đến dụ tế, tặng thuỵ, rồi có mệnh lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu. Tất cả sự trân trọng của Nghệ Tôn đối với Chu Văn An đã làm kẻ sĩ khắp nước phấn khởi. Nghệ Tôn hỏi Quý Ly:
- Khanh nghe ngóng thấy tình hình phục hưng đất nước ra sao?
- Tâu bệ hạ, vừa qua nhà vua xử sự rất trọng thị với bậc danh nho, đã làm phấn chấn các nho sĩ. Ở Thăng Long, những kỳ giảng văn tại Văn Miếu, học trò kéo đến nghe đông nghịt. Ai cũng biết bệ hạ mong người hiền như hạn mong mưa... Tuy nhiên...
- Khanh cứ thật lòng, ý thế nào cứ nói cho hết.
Quý Ly lúc đó đang sung sức, năng nổ. Vị quan trẻ mắt sáng lên nói với vua:
- Thần trộm nghĩ nước ta như cái giếng khơi để lâu năm, dưới đáy có nhiều bùn nhơ lắng cặn...
Quý Ly trong khi nói vẫn chú ý theo dõi sự thay đổi trên nét mặt Nghệ Tôn. Ông thấy vầng trán nhà vua nhíu lại một hồi lâu mới dãn ra. Quý Ly cũng cắn môi, nhưng cuối cùng ông quyết định giáng một đòn sấm sét:
- Thần liều chết xin tâu: Có thể nói, cái giếng cũ toàn một thứ nước tanh tưởi, những nguồn sinh thuỷ, những mạch nước ngầm trong và mát đều đã bị bịt kín. Vừa qua, bệ hạ lên ngôi, đó là trận mưa rào. Nước dâng cao trong lòng giếng. Hiện nay thứ nước mới vừa thơm vừa lành là chính. Thứ nước cũ chở đầy xú khí, nó nặng nề và khôn ngoan nép mình dưới đáy, nhưng rồi đây, mưa rào qua đi, mặt nước phẳng lặng sẽ là dịp cho thứ nước tanh hôi len lén bò lên và hoà vào nước mới. Một tháng, hai tháng, một năm, hai năm... cuối cùng nước mới cũng thành nước cũ...
- Khanh nói khéo lắm! Chuyện cái giếng của khanh ta nghe cũng được đấy. ý khanh thế nào? Phải tát hết nước cũ đi chứ gì? Phải khơi lại các mạch ngầm, các dòng sinh thuỷ. Phải vét hết bùn tanh. Thậm chí phải đào rộng giếng ra, phải khoét sâu xuống lòng đất sét để tìm ra những nguồn mạch to lớn hơn được đùn lên ào ào từ dòng sông ngầm, dòng sông âm ty bí ẩn dưới sâu mà sức mạnh của nó thì vô cùng dữ dội... Có đúng như vậy không? Hỡi ông em yêu quý của ta? Hỡi ông em đầy táo bạo của ta?
Nghệ Tôn càng nói giọng càng to, càng nói càng làm bật tung những dòng suy nghĩ từ lâu nay Quý Ly vẫn âm thầm nung nấu một mình. Nghệ Tôn nắm lấy tay em rể:
- Bao lâu nay, khanh đã đưa ra nhiều ý kiến, thú thực, những ý kiến làm ta phải đắn đo. Có ý kiến ta đã bắt đầu cho thi hành, nhưng có ý kiến ta còn cần suy nghĩ. Bởi vì ý khanh muốn phải làm xáo động tất cả, muốn phải chạm tới con sông âm ty hung dữ, ẩn ngầm. Ta biết, sức của con sông ngầm ấy là vô biên, có thể đào núi và lấp biển. Nhưng nó cũng là loài bất kham, có thế dìm cả ta xuống vực sâu...
Quý Ly cảm kích xúc động nắm lấy bàn tay ấm áp của Nghệ Tôn. Ông cũng không ngờ Nghệ Tôn lại có thể hiểu ông đến mức ấy. Quý Ly vốn khôn ngoan mà mức độ, ông nói:
- Thực ra, có nhiều điều thần muốn tâu bày, nhưng trước hết, lúc này thần chỉ xin bệ hạ có một điều hệ trọng nhất.
Nghệ Tôn ngẩng đầu lên, chăm chú bảo:
Khanh cứ nói.
- Đó là điều bệ hạ đã làm một phần với quan tư nghiệp quốc tử giám Chu Văn An. Bệ hạ đã tôn vinh đạo Nho. Tôn vinh đạo Nho chính là khơi nguồn cho cái khí thiêng sông núi tuôn chảy. Khí của núi sông đã ngưng trệ mất bao năm nay. Bây giờ ở nơi hang cùng ngõ hẻm nào cũng chỉ thấy chùa. Chùa quốc tự, chùa danh lam, chùa xã, chùa thôn, chùa đồng, chùa núi... Tiền bỏ ra xây chùa, đắp tượng, giá mà ta khuyên dân dùng để làm trường dạy học thì đất nước ta đâu thiếu nhân tài. Sư sãi trốn việc quan đi ở chùa, giá mà ta thu dụng lại, cũng đủ lập thành một đạo quân hùng mạnh. Ruộng đất nhà chùa, nếu ta gom lại cũng đủ nuôi hàng chục vạn người nghèo đói manh lệ. Nhưng cái hại nhất của cái tệ chùa sãi tràn lan, đó là tư tưởng yếm thế. Ai ai cũng chỉ lo xuất thế gian đi tìm cực lạc. Dòng khí âm ào ạt chảy thì dòng sinh khí hạo nhiên của núi sông phải ngưng trệ. Dòng từ bi miên trường sẽ làm lòng người dân mềm yếu hết sức đối kháng. Kẻ ngoại bang lăm le nhòm ngó, ta biết lấy gì để chống đỡ non sông.
***
Nghệ Tôn là người thuần hậu, chăm chỉ. Nghe Quý Ly nói, ông hiểu đất nước đang có rất nhiều vấn đề cần phải chỉnh đốn, thay đổi, mà phải thay đổi đến tận gốc rễ. Tuy nhiên, ông không muốn làm, ông sợ nhiễu sự. Ông muốn mọi việc cứ được giải quyết theo nề nếp tổ tông. Cái nề nếp từ thời nhà Trần đang thịnh trị của Thánh Tôn, Nhân Tôn, Anh Tôn... mà Chu Văn An đã dạy ông và gọi đó là vương đạo. Ông vua phải là khuôn mẫu của con người hiền, nhân từ, thương dân, không bày vẽ thêm việc cho người dân thêm khổ. Ông ban yến cho người già, phát chẩn cho người nghèo, trân trọng với kẻ sĩ, chăm sóc đề bạt đối với hoàng thân quốc thích... Và triều đình trong ba năm cai trị của ông mọi việc đều suôn sẻ thật. Mưu sâu kế lạ ư? Ông đã có Quý Ly sát cánh làm chân tay thủ túc, người em rể của ông đã được phong Trung Tuyên Quốc thượng hầu. Việc gì ông sai làm, Quý Ly đều làm tròn rất chu đáo. Công việc triều chính khó khăn ư? Ông đã có Cang Chính Vương Trần Sư Hiền, và Tư đồ Trần Nguyên Đán phò tá, nhất là Nguyên Đán, con người đức độ và trầm tĩnh. Việc khó đến đâu vào tay ông ta cũng được giải quyết thấu đáo và nhẹ nhàng, cứ tưởng như với ông Đán không có việc gì được gọi là khó. Còn việc quân sự, ông giao hết vào tay Phủ quân tướng quân Trần Nguyên Uyên. Con người này thật tài hoa. Luôn luôn thấy ông treo đèn kết hoa, thả chiếc du thuyền ở Hồ Tây, cùng với một bầy kỹ nữ đàn hát thâu đêm. Có lần Nguyên Uyên mở tiệc mời Hàn lâm học sĩ Hồ Tông Xác, Ngự Câu vương Trần Húc, con cả Nghệ Tôn và Hồ Quý Ly.
Tiệc đêm trên thuyền hoa Tây Hồ. Hồ Tông Xác giỏi làm thơ. Riêng đêm ấy làm một trăm bài thơ. Sáng hôm sau, Trần Húc về cung hoàng tử, Nghệ Tôn mắng:
- Ngươi chỉ biết chơi bời. Không nhớ tới mấy năm loạn lạc vừa qua hay sao?
Những năm đó dân Thăng Long kính trọng những người có văn tài, nhất là những người làm thơ giỏi. Ngự Câu Vương Húc được Hồ Tông Xác nhận là bạn thơ, lại được tướng quân Nguyên Uyên xếp vào hàng tài tử, sành điệu đàn câu hát. Cái thi xã uống rượu ngâm thơ của họ trên Hồ Tây được nhân dân kinh đô gọi là thi xã Vân Yên (mây khói). Ngự Câu Vương Húc bị cha mắng, nhưng lại rất vui trả lời:
- Phụ vương ơi! Mắng con làm gì. Bận trước, chú Quý Ly tâu với cha về việc quân sĩ Thăng Long trễ nải việc canh phòng, và chú Nguyên Uyên hay rượu chè ca hát trên Hồ Tây, cha nói rằng: “Không có người đàn địch hát ca như vậy, sao gọi là đời thái bình”. Vả lại, chính quan tư đồ Trần Nguyên Đán cũng viết những vần thơ:
Trung hưng văn vận vượt đời xưa,
Thời thịnh, muôn dân ngợi hát ca.
Tướng võ quan hầu đều biết chữ,
Thợ thuyền, thư lại cũng làm thơ...
Quả là ba năm trung hưng nhà Trần của Nghệ Tôn, đất nước Đại Việt vô sự, lại không đói kém mất mùa có cơ hưng thịnh. Đúng như câu thơ của Nguyên Đán: “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì” (Triệu người dân hát lên ngợi ca thời thịnh trị). Nhưng đúng đến năm thứ ba thời Nghệ Tôn, bắt đầu có biến. Mẹ Nhật Lễ vua phường chèo, là Dương Thị, sau khi Lễ bị giết, liền chạy sang Chiêm Thành cầu cứu. Vua nước Chiêm mới nổi lên lúc đó là Chế Bồng Nga là người tài giỏi, có nhiều tham vọng. Tuy nhiên, Chế vẫn còn gờm. Nay, nghe Dương Thị sang cầu cứu, Chế nghĩ Đại Việt đã đến hồi suy yếu. Chế Bồng Nga là con người mưu lược, táo bạo. Lần này là lần đầu tiên, Chế đem một đạo quân tinh nhuệ đánh thẳng vào đồng bằng sông Hồng. Ông theo cửa Đại An tiến vào sông Hồng. Tháng ba, thuyền của ông tiến sát đến kinh đô. Chưa biết được tường tận thực lực của Thăng Long, Chế sợ rơi vào phục kích, nên chỉ chờ đội du binh thiện chiến đi thuyền nhẹ đang đêm lọt vào kinh đô, cướp của cải bắt đàn bà con gái, rồi lại rút ngay ra sông Cái cùng đại quân, trống dong cờ mở trở về thành Đồ Bàn, khuếch trương trận đánh thắng Đại việt đầu tiên để làm nức lòng tướng sĩ Chiêm Thành.
***
Đang đêm, nghe tin quân Chiêm Thành đã lọt vào Thăng Long, Nghệ Tôn rụng rời, không hiểu sao giặc đến nhanh như vậy. Cung Tuyên Vương Trần Kính đến trước long sàng tâu:
- Tính mệnh vua một nước là tối hệ trọng, xin bệ hạ tạm trốn sang Đông Ngàn, còn việc bảo hộ kinh đô hạ thần xin liều thân cáng đáng.
Nghệ Tôn gạt nước mắt, chia tay em trai, lên thuyền rồng vào sông Thiên Đức, có Quý Ly dẫn quân đi hộ giá. Ba hôm sau, khi quân Chiêm rút, ông lại quay về Thăng Long. Vua hỏi riêng Quý Ly:
- Hiện nay, khanh thấy mặt Bắc hay mặt Nam nước ta đáng lo ngại hơn?
- Tâu đức vua, nhà Minh phương Bắc, đông hơn ta, mạnh hơn ta gấp mười lần; còn Chiêm Thành phương Nam nhỏ hơn, yếu hơn, chỉ bằng nửa quân ta. Nhưng hiện nay, mặt Bắc là mối lo hàng đời, còn mặt Nam lại trở thành mối lo hàng ngày, nhất là từ khi Chế Bồng Nga lên ngôi.
- Chế là người thế nào?
- Một ông vua kiệt hiệt!
- Còn ở nước ta, khanh xem ta có kiệt hiệt không?
Quý Ly ngẫm nghĩ một lúc:
- Bẩm, bệ hạ là đức vua nhân từ văn hiến, nhưng không vũ dũng. Tuy nhiên nếu nhà vua có trong tay tướng giỏi thì vua văn nhã sẽ trở thành kiệt hiệt...
Nhà vua cười:
- Tướng quân Nguyên Uyên ra sao?
- Ông ấy chỉ làm tướng lúc thời bình được thôi.
- Còn Cung Tuyên Vương Trần Kính.
- Ông ấy là tướng kiệt hiệt.
- Sao ngươi nói em ta kiệt hiệt?
- Xem như trận Chế Bồng Nga nhập Thăng Long vừa rồi lúc nguy cấp Cung Tuyên Vương không hề rối loạn. Lại biết sắp đặt ngay thuỷ binh, hướng đông chặn địch ở bến đông, ngăn chặn không cho giặc vào sông Tô Lịch; hướng nam chặn địch lẻn vào theo Đại Hồ. Quả nhiên dụ binh của giặc đã vào Đại Hồ đến phường Phục Cổ, thấy ta đã bố trí thế trận, chúng vội rút lui...
Nghệ Tôn gật đầu:
- Khanh nói rất hợp ý ta. Cung Tuyên Vương Trần Kính, em trai ta, là con người kiệt hiệt. Còn ta, chỉ là một con người nhân từ. Mà lúc này, Đại Việt hơn bao giờ hết, đang rất cần một ông vua kiệt hiệt, chứ không cần một ông vua nhân từ.
Tháng ba năm Tân Hợi xảy ra vụ Chế Bồng Nha nhập Thăng Long, đến tháng mười một năm ấy, Nghệ Tôn nhường ngôi cho em trai là Trần Kính. Kính lên ngôi vua, xưng là Duệ Tôn hoàng đế, và Nghệ Tôn lên làm Thái thượng hoàng, nhân dân vẫn gọi vắn tắt là Nghệ Hoàng.
Duệ Tôn lên ngôi, mang nặng trên vai trọng trách non sông mà ông anh Nghệ Tôn đã suy ngẫm, tự thấy mình không thực hiện được. Nghệ Tôn đã chuyển đổi ý nghĩ muốn dùng cứng trị cứng. Chế Bồng Nga quyết tâm chống lại Đại Việt, và Đại Việt cũng phải quyết tâm tiêu diệt họ Chế. Trước kia, họ Chế chỉ thường xuyên đem quân ra quấy rối vùng Tân Bình và Thuận Hoá, nhưng tình thế nay đã hoàn toàn đổi khác. Chế Bồng Nga đã dám mang quân ra đánh vào Thăng Long, tuy trận chiến chỉ chớp nhoáng, mang tính chất thăm dò, song ý định của họ Chế đã hoàn toàn rõ ràng; Chế Bồng Nga đã nhận thấy Đại Việt đang rơi vào thế suy yếu, trong nước đầy rẫy tham nhũng, nổi loạn, tranh chấp. Các tướng sĩ, không có bộ mặt nào tài giỏi. Đỗ Tử Bình được giao nhiệm vụ trấn thủ Tân Bình, Thuận Hoá, thì mới được quân Chiêm đút lót cho vài mâm vàng đã hí hửng nhận ngay, lại còn tâu lời dối trá về triều đình nhà Trần, nói rằng nước Chiêm vẫn yên vị phiên thần, không có bụng dạ chống lại nhà Trần. Nhờ có Tử Bình báo cáo láo, nên họ Chế đã có thời gian xây dựng quân đội và tập dượt tấn công. Người Chiêm trước kia rất yếu kém chiến sự xung trận chỉ biết chạy như vịt; Chế Bồng Nga đã kích thích sự gan dạ của họ bằng cách luyện tập kỹ càng binh lính, rồi dẫn họ vào những cuộc tấn công nhỏ và gần. Họ Chế tự mình dẫn đầu những đội quân tinh nhuệ đánh vào những thành luỹ nhỏ ở Tân Bình, Thuận Hoá, nơi đó vốn có những người Việt gốc Chiêm làm nội ứng đã báo cho quân Chiêm biết rõ nội tình. Nhờ vậy, quân Chiêm lần nào cũng thắng, lần nào cũng mang về thành Đồ Bàn nhiều chiến lợi phẩm, nào gái đẹp, nào vàng bạc, nào lụa là... Chế Bồng Nga cho trưng bày những chiến lợi phẩm, còn gái đẹp đem phân phát cho tướng sĩ quan quân làm vợ, làm hầu thiếp, vàng bạc thì đem khao thưởng một nửa, còn một nửa xung kho chờ khi đánh tan Đại Việt sẽ cho xây dựng một tháp lớn có tượng vàng, có đồ tế khí lộng lẫy để cúng dường các thần linh tiên tổ.
***
Trong lúc người Chăm Pa ráo riết chuẩn bị phục hưng đất nước, người Đại Việt bắt buộc cũng phải thay đổi sách. Trước đây, gần một thế kỷ, đối sách của người Việt đối với Chăm pa là mềm dẻo, hoà hoãn và ngoại giao. Chính sách hoà bình Chiêm - Việt này bắt đầu từ sự đồng cảm giữa hai nước khi cả hai cùng bị quân Mông Cổ xâm lược. Hai vị vua trẻ anh hùng Chiêm Việt là Chế Mân và Trần Nhân Tôn đều kiên quyết đánh giặc Nguyên, không chịu đầu hàng. Sau khi đánh Mông Cổ xong. Trần Nhân Tôn đi tu Phật theo hạnh đầu đà đã chân đất hành cước đến kinh đô Đồ Bàn của Chàm Pa và hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Sự kết giao bằng hôn phối mang tinh thần từ bi Phật giáo, muốn qua đó hoá giải hoàn toàn thù oán giữa hai dân tộc.
Lúc Nghệ Tôn truyền ngôi cho em là Duệ Tôn. Ông nói:
- Ta đọc sách Tam lược của Hoàng Thạch Công thấy có câu: “Mềm mãi, yếu mãi thì nước sẽ bị chiếm. Cứng mãi, mạnh mãi, thì nước ắt phải vong”. Đêm nạm vạt tay lên trán, ta tự thấy mình chỉ là kẻ mềm yếu. chỉ biết mềm mà không biết cứng. Nay em là con người quyết đoán, cương nghị. Nghĩ rằng lúc này nhu phải nhường bước cho cương, mới là kế vẹn toàn muôn đời cho non sông xã tắc.
Duệ Tôn vâng lời anh lên ngôi vua với hào khí ngút trời. Duệ Tôn cũng là con một bà phi họ Lê của Minh Tôn. Hai bà Phi họ Lê một bà sinh ra Nghệ Tôn, một bà sinh ra Duệ Tôn đều là cô ruột Lê Quý Ly, do vậy khi Duệ Tôn lên ngôi. Quý Ly càng được sủng ái hơn. Nhất là tính khí hai người có nhiều phần giống nhau: quyết liệt và táo bạo. Duệ Tôn nói với Quý Ly:
- Ta đọc sử nước Đại Việt thấy hoàng đế Lê Đại Hành khi xưa đã thân chinh đi đánh Chiêm Thành, tự làm tướng, chém đầu vua nước đó là Phế Mị Thuế, bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể. Sau này vua Thánh Tôn nhà Lý cũng như vậy. Ta nay há chẳng nên theo gót tiền nhân hay sao?
Thượng hoàng Nghệ Tôn, từ khi nhường ngôi, về an dưỡng tuổi già ở cung Trùng Hoa phủ Thiên Trường, nhưng mọi việc chính sự đều theo dõi sát sao thông qua khu mật đại sứ Quý Ly. Duệ Tôn cũng rất thích sự thông minh táo bạo của người em rể, nên phong cho Quý Ly chức tham mưu quân sự, nhất nhất mọi sự đều bàn với Quý Ly. Viên tham mưu quân sự nói:
- Thượng Hoàng (Nghệ Tôn) là người thông hiểu sách của trăm nhà. Người thường nhắc: “Tri kỳ hùng, thư kỳ thư”. Biết như con trống, nhưng phải giữ cái vẻ như con mái. Người luôn nói nhu nhược thắng cương cường. Người chủ trương nhu, nhưng từ hồi Chế Bồng Nga xâm phạm kinh sư, người đã nghĩ đến chủ trương cương. Do vậy người đã nghiền ngẫm cuốn Tam lược của Hoàng Thạch Công. Hoàng Thạch Công thầy của Trương Lương là một đạo sĩ cũng theo thuyết Hoàng Lão. nhưng có một chút khác người xưa. Đó là ông vừa chủ trương nhu vừa chủ trương cương. Lúc cứng lúc mềm, lúc văn lúc võ, sự luân phiên tuỳ thuộc tạo ra cái thế hài hoà thắng lợi, đó là bí quyết của họ Hoàng vậy Chẳng thuần cương mà cũng chẳng thuần nhu...
Duệ Tôn nghe Quý Ly giảng giải, trong lòng rất ưng, liền hỏi:
- Thế nào là chẳng thuần cương, chẳng thuần nhu?
- Chẳng thuần cương: ví dụ như trong lúc chuẩn bị việc quân sự, ta vẫn chú ý tới việc văn hiến, vỗ về dân chúng. Chẳng thuần như: ví dụ như ta đưa dân vào nề nếp kỷ cương, làm sổ hộ khẩu để biết thực lực số người trong nước, chuẩn bị lương thực, khuyến khích nghề võ, chiêu binh mãi mã, không cứ sang hèn ai tài giỏi thì được làm tướng...
Duệ Tôn mừng rỡ, mọi chính sách đều nghe theo Quý Ly.
Vua xuống chiếu cho dân không được mặc quần áo bắt chước người phương Bắc, không được hát xướng ăn nói bắt chước người Chiêm Thành.
Lại cho mở khoa thi tiến sĩ, lấy Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn và Trần Đình Thâm đỗ thám hoa. Ngoài ba người trên cho đỗ hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ. Nhà vua mở tiệc ban yến, ban mũ áo cho các tiến sĩ. Rồi cho ba vị đỗ đầu cưỡi ngựa đi chơi phố phường Thăng Long ba ngày. Lần đầu tiên có lệ rước tiến sĩ ở nước ta. Dân Thăng Long nô nức đi xem mặt các tiến sĩ. Thật là ngày hội chưa từng có. Người dân nức nở: “Vua hiền lại xuất hiện ở nước ta rồi. Thời hỗn loạn thế là đã qua?”.
Song song với những chuyện đó, Duệ Tôn cho thí võ tuyển binh ở khắp các bộ phủ trong nước. Người khỏe mạnh xung vào đội Lan đô. Trước kia chỉ có quân túc vệ Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Ở các địa phương bao giờ có biến đều nhờ vào quân đội riêng của các vương hầu ở các vùng. Ngày nay, Quý Ly cho tuyển các đội quân riêng cho các quan binh địa phương như đội Thiên Trường, ý Yên, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Hoá Châu, Tân Bình... Các đội quân này đều đặt quân hiệu. Hơn nữa, các vị tướng chỉ huy đều do thi tuyển mà ra. Trước kia, muốn làm tướng hiệu, người ta bắt buộc phải là tôn thất; ngày nay, vua xuống chiếu chọn các quan viên người nào có tài năng, luyện tập nghề võ thông hiểu thao lược, thì. bất cứ sang hèn, ai giỏi đều cho làm tướng coi quân.
Nhờ có chính sách rộng rãi tích cực như vậy, nên người trong nước nô nức đầu quân, chỉ trong vòng một năm, Đại Việt đã có trong tay gần hai chục vạn quân bừng bừng khí thế.
Nghe tin Đại Việt tích trữ lương thảo sửa soạn binh mã chiến thuyền sắp sửa đem đại quân vào đánh thành Đồ Bàn, vua Chiêm bàn với La Ngai là tướng thân tín:
- Trận đại huyết chiến Chiêm - Việt sắp xảy ra. Trận này cực kỳ hệ trọng. Vận mệnh của hai nước nằm trong trận này, kẻ nào thua sẽ hoàn toàn mất thế thượng phong, sau này sẽ khó mà ngóc đầu lên được.
La Ngai nói:
- Theo tin mật báo, trận này Đại Việt sẽ tung hết lực lượng, đem hơn chục vạn quân vào, dùng số đông đè bẹp quân số nhỏ bé của ta.
- Họ có số đông nhưng cũng có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, không thông thuộc địa thế nước ta. Thứ hai, quân của họ mới thành lập, quân sĩ phần lớn chưa tham gia chiến trận. Thứ ba, vua nước họ là người kiêu ngạo,...
- Đỗ Tử Bình quan hành khiển Đại Việt trấn thủ Châu Hoá là kẻ tham bỉ - La Ngai nói - Ta có thể dùng vàng bạc lung lạc hắn.
- Trẫm thấy ý của nhà ngươi rất hay. Hãy đem mười mâm vàng đến gặp Bình, để hắn tâu với vua nước Việt rằng người Chiêm nghe tin chinh phạt của Đại Việt rất lo sợ, rằng người Chiêm không có lòng dạ chống lại quân Việt. Làm như thế để tăng lòng kiêu ngạo sơ hở của đối phương. Ngoài ra, phải cấp tốc chuẩn bị đề phòng. Một trăm năm trước đây, quân Mông Cổ do Toa Đô chỉ huy thiện chiến hung ác đến thế, vua Chế Mân còn chả chịu khuất phục, huống hồ đám binh lính Đại Việt hữu danh vô thực này, ta há chịu thua ư? Ta sẽ chuẩn bị làm kế thanh dã, khi giặc đến, dân chúng sẽ trốn hết lên rừng...
Đỗ Tử Bình nhận mười mâm vàng của Chiêm Thành, liền ỉm đi làm của riêng, sau đó làm mật tấu về triều, nói rằng quân Chiêm vẫn thường xuyên quấy rối Hoá Châu, và nói năng rất nhiều điều vô lễ với Đại Việt, Tử Bình xin vua Duệ Tôn đem quân đi chinh phạt, để vứt bỏ hẳn mối hoạ phương Nam. Tử Bình còn nói thực lực quân Chiêm không có gì, chẳng qua vua tôi Chiêm chỉ là lũ giặc cỏ.
Qua tờ mật tấu của Đỗ Tử Bình. triều đình Việt dấy lên hai luồng ý kiến: một ý kiến cho rằng trừng phạt Chiêm Thành là cần thiết nhưng chỉ nên cử một viên tướng đi là đủ; ý kiến thứ hai cho rằng cần phải đè bẹp hoàn toàn sự chống cự của Chế Bồng Nga, muốn vậy, đức vua Duệ Tôn cần phải thân chinh cầm quân di dẹp giặc. Cần phải làm mạnh mẽ như Lê Đại Hành hoàng đế và Lý Thánh Tôn hoàng đế khi xưa, nghĩa là đem đại quân đánh thẳng vào thành Đồ Bàn.
Đứng về phía ý kiến thứ nhất, có Trương Đỗ, quan ngự sử là người can ngăn quyết liệt nhất. Đỗ dâng sớ:
Chiêm Thành trái lệnh, tội ấy giết chết cũng chưa đáng, song ở cõi Tây xa lánh, núi sông hiểm trở, nay bệ hạ mới lên ngôi, chính hoá chưa thấm nhuần đến phương xa, nên sửa văn đức cho họ tự phải phục. Nếu không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn gì.
Đỗ dâng sớ ba lần, Duệ Tôn cũng không nghe. Ngự sử đại phu liền treo mũ từ quan: trở về quê cũ là phường Cơ Xá Nghi Tàm, làm nghề trồng hoa, chịu sống thanh bạch nghèo túng. Việc làm của tiến sĩ Trương Đỗ gây tiếng vang lớn trong triều đình.
Việc can ngăn của Đô lan sang cả bà phi Bích Châu là người đàn bà thục hạnh được vua Duệ Tôn rất yêu. Bích Châu hay chữ có bài văn “Kê Minh thập sách” khuyên nhủ nhà vua rất nổi tiếng đương thời.
Đọc xong bài sách Kê Minh, vua Duệ Tôn gõ mạnh vào chiếc phách gỗ, rồi cười ha hả: “Không ngờ một người đàn bà mà lại thông tuệ đến thế! Thật là một từ phi ở trong cung của trẫm vậy?” Nay, nghe tin nhà vua muốn đi đánh Chiêm Thành, triều thần can ngăn không được, bà Bích Châu liền viết một bài biểu dâng lên. Bài biểu viết:
- Thiếp trộm nghĩ, rợ Hiếu Doãn ngang tàng quá lắm, từ trước quen thân; rợ Hung Nô kiệt hiệt gớm ghê, đến nay càng tệ. Vì cướp bóc là cái thói thường của lũ man di, mà dùng binh không phải ban tâm của người vương giả. Nước Chiêm Thành nhỏ xíu ở nơi hải đảo, năm xưa kéo quân vào sông Nhị Thuỷ, nhóm thấy nước ta bất hoà; khi ấy tiếng trống ran ngoài biển chỉ vì lòng dân ta chưa an, cho nên chúng dám tung đàn ruồi nhặng múa ngoài bãi cỏ, có khác nào dơ câng bọ ngựa ngăn xe. Nhưng thánh nhân rộng lượng bao dung, không thèm so sánh. Việc trị đạo, trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn, trị cái rắn nên dùng cái mềm, hàng phục chúng nên cốt ở đức... “
Lý lẽ trong bài biểu ngăn vua đi đánh Chiêm Thành thật cứng cõi, có tình có lý. Nhưng Duệ Tôn, từ khi lên ngôi vua đã được bốn năm, trong bốn năm ấy trí óc nhà vua lúc nào cũng chỉ chăm chăm muốn làm cho Đại Việt được cường thịnh; và việc biểu hiện ý chí ấy không gì khác hơn là chuyện đè bẹp Chiêm Thành. Vua Nghệ Tôn chưa làm được việc ấy mới giao lại ngôi báu cho ông, chẳng lẽ ông lại phụ lòng người anh tốt bụng đó sao. Chẳng lẽ, chỉ vì một vài lời can ngăn của những con người thiển cận, ông lại dễ dàng từ bỏ cái chí lớn đau đáu trong lòng suốt mấy năm ròng hay sao? Nghĩ mãi, cuối cùng ông tìm ra được một cách để quay trở lại thuyết phục triều đình. Ông cho vời Sử Văn Hoa vào cung. Lúc đó, ngoài việc viết sử, Sử Văn Hoa còn rất nổi tiếng về tài đoán số, nhất là đoán mộng. Vua Duệ Tôn bảo Sử:
- Đêm qua, trẫm mơ một giấc mơ thật là kỳ lạ. Sau đó suốt đêm không tài nào ngủ lại được. Cứ trằn trọc nghĩ mãi, chẳng biết hung mộng hay là cát mộng. Ta nóng lòng chờ cho chóng sảng để gọi khanh vào giải mộng.
Sử nhìn vào đôi mắt Duệ Tôn, thấy đôi mắt long lanh ánh sáng, lại thấy tròng mắt có sắc đỏ, biết Duệ Tôn có niềm ưu tư thực sự, thầm nghĩ: “Phen này ta gặp rắc rối mất thôi. Đoán mộng cho bậc quân vương, đâu phải chuyện chơi. Chiều theo ý người ta cũng không được. Nói thẳng băng cũng dễ mất mạng như chơi. Chẳng hiểu ông ta định dùng phép giải mộng của mình để làm trò điều khiển chính trị, hay thực lòng ông ta muốn dự đoán tương lai?”. Sử liền dùng kế hoãn binh:
- Đoán mộng muốn cho chính xác, cần phải tĩnh tâm trai giới. Thần xin phép bệ hạ được tắm gội sạch sẽ bằng nước thơm trước khi đánh bạo tâu bày trước bệ Duệ Tôn chuẩn tấu.
Sử Văn Hoa vội về nhà tắm nước lá chanh lá bưởi. Trong khi ngồi bên nồi nước thơm bốc ngói nghi ngút, ông suy ngẫm và đầu óc sáng ra. Ông chợt hiểu Duệ Tôn muốn gì ở mình. Khi Sử trở vào cung, Duệ Tôn kể giấc mộng:
- Đêm qua, ta mơ gặp một cơn giông bão rất to. Lúc đó, bầu trời sầm xịt. u tối. Có một người đầu đội mũ kim khôi, mình mặc giáp trụ xăm xăm đi đến trước mặt ta. Nhìn kỹ hoá ra Chế Bồng Nga. Ta và Chế liền xông vào nhau vật lộn dữ dội. Vừa vật nhau, vừa hò hét, quyết một phen còn mất. Rồi cuối cùng, ta bị ngã. Chế Bồng Nga cũng ngã theo. Chế Bồng Nga nằm đè lên ta. hắn cắn vào vai ta. Còn ta thì ngẩng mặt lên trời, và nghiến răng dùng hết sức hai tay bóp cổ nó. Vừa đến lúc đó, ta bỗng choàng tỉnh giấc, mồ hôi vã ra khắp người, tỉnh dậy mà vẫn còn thở hồng hộc. Sử Văn Hoa, ngươi nổi tiếng có tài giải mộng. Thử đoán xem đó là hung mộng hay cát mộng?
Sử Vàn Hoa lạnh toát chân tay, im lặng ngồi nghe Duệ Tôn kể mộng. Ông ngẫm nghĩ hiểu ngay đó là giấc mộng điển hình đã được ghi chép trong sách “Mộng Kinh”. Cả sách sử cũng ghi lại mấy giấc mộng này. Người nào chỉ có sơ học về phép giải mộng cũng thuộc lòng chuyện này. Sách chép rằng:
“Năm Hy Công thứ 28, Tấn Vương nằm mơ thấy mình đánh nhau với Sở Vương. Sở Vương nằm đè lên Tấn Vương và cắn vào ngực Tấn Vương. Vua Tấn tỉnh mộng lấy làm kinh sợ. Tử Phạm đoán mộng nói ráng Tấn Vương đã gặp mộng lành. Bởi vì tuy Sở Vương nằm đè ở trên nhưng mặt lại nhìn cúi xuống đất, đó là động tác của kẻ quỳ lạy. Còn Tấn Vương lại ngẩng mặt nhìn lên trời, đó là tư thế của kẻ chiến thắng”.
Sử Văn Hoa biết Duệ Tôn là người thông minh. Có lẽ ông ta muốn dùng uy tín của Sử Văn Hoa để tuyên truyền cho sự tất thắng Chế Bồng Nga của ông, buộc triều đình phải tin tưởng vào sự thân chinh tiễu phạt Chiêm Thành của ông.
Tuy nhiên. Sử Văn Hoa lại quỳ lạy và tâu với vua Duệ Tôn:
- Tâu bệ hạ, mộng này là mộng dữ.
Duệ Tôn đứng phắt dậy:
- Khanh nói lại đi. Cớ sao là hung mộng? Ta không tin! Ta không tin!
Sử Văn Hoa vẫn quỳ rạp. không dám ngẩng đầu:
- Tâu bệ hạ, giấc mộng giống hệt giấc mộng Tấn Vương và Sở Vương đánh nhau. Tuy nhiên vẫn có một điều rất khác.
- Thế nào là khác? Vô lý! Cả hai giấc mộng đều giống hệt nhau. Tấn Vương và ta đều ngẩng mặt nhìn lên trời. Còn Sở Vương và Chế Bồng Nga cả hai đều úp mặt xuống đất...
Lúc này, Sử Văn Hoa mới ngẩng đầu lên:
- Tâu bệ hạ, đó chính là điều kỳ bí của phép giải mộng.
- Ngươi thử chỉ ra cho ta xem, cái kỳ bí đó ở đâu? Nếu không đúng, coi chừng cái đầu trên cổ ngươi đó.
- Thưa, ở chỗ lúc bệ hạ ngẩng mặt lên trời, thì bầu trời tối tăm u ám. Bệ hạ đã nói: “Lúc đó, bầu trời sầm xịt u tối,” Điềm hung chính ở chỗ đó. Mầu đen thuộc về âm, âm thuộc về đất. Vậy, nhìn lên trời khác gì nhìn xuống đất. Chế Bồng Nga nhìn xuống đất, cả bệ hạ cũng nhìn xuống đất. Điều đó chỉ ra rằng cả hai bên đều tan nát đau khổ...
- - Không đúng? Ngươi chỉ là kẻ học trò mặt trắng, dùng lời bẻm mép làm rối lòng tướng sĩ của ta trước khi lên đường ra trận. Ta quyết không thể tha cho ngươi.
Bà quý phi Bích Châu lúc đó có mặt, bèn quỳ xuống xin tội cho Sử Văn Hoa:
- Cúi xin bệ hạ nguôi cơn thịnh nộ. Bệ hạ cầu người đoán mộng. Kẻ sĩ đoán có chỗ lạ đời, nhưng thực ra thế mới là giải mộng. Ông ta là người trung mới dám nói thẳng. Con người như vậy thực đáng quý.
Ngày hôm sau, Duệ Tôn mới nguôi cơn giận. Ông gọi Sử Văn Hoa đến và bảo:
- Ta muốn biết lời đồn đại của thiên hạ về ngươi có thực hay không. Đúng ra, không phải là giấc mơ. Ta mượn giấc mơ xưa, nói thác là mơ, chứ bình sinh, chưa bao giờ ta mộng mị.
Sử Văn Hoa nói:
- Tâu bệ hạ. tuy chưa phải giấc mơ, nhưng thực ra lại là mơ. Bởi vậy, khi bệ hạ thốt thành lời đã buột miệng nói ra: “Lúc đó trời xám xịt, u tối”. Câu nói đó chính là giấc mộng. Con người ta có thể đang thức mà vẫn mơ. Cúi xin bệ hạ lưu tâm xem xét đến lời giải mộng của kẻ hèn mọn này.
Duệ Tôn im lặng, xua tay ra hiệu cho Sử Văn Hoa lui ra.
***
Mặc những lời can ngăn, cuộc hành quân bình Chiêm mà Duệ Tôn trù tính vẫn được gấp rút chuẩn bị. Tháng tám vua xuống chiếu cho dân Thanh Hoá, Nghệ An, Diễn Châu tải 5 vạn hộc lương đến Châu Hoá. Lại sai Lê Quý Ly đi dốc xuất Nghệ An, Tân Bình. Thuận Hoá có đủ thuyền bè để tải lương cấp cho quân.
Tháng chạp năm ấy, vua Duệ Tôn thân chinh mang mười hai vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Ngày xuất quân vua làm lễ tại Thái miếu. Thái thượng hoàng Nghệ Tôn từ phủ Thiên trường về kinh đô tiễn em trai lên đường. Duệ Tôn nói với thượng hoàng:
- Xin hoàng huynh yên tâm ở nhà coi việc nước. Trẫm ra đi chuyến này quyết phá tan giặc nước, toàn thắng mới trở về.
Vua ngồi thuyền rồng xuôi theo sông Hồng. Đoàn chiến thuyền có trống thúc quân, cờ xí rợp cả một quãng sông dài. Dân Thăng Long đứng kín trên đê reo hò tiễn quân đi.
Lại nói đến bà quý phi Bích Châu, từ khi ngăn vua chinh chiến không được, đã ăn ngủ không yên, bỏ cả trang điểm, thân hình gầy héo, nhà vua rất lấy làm thương xót. Khi nhà vua sắp lên đường, Bích Châu van nài xin vua được đi theo quân đội. Nàng nói:
- Đạo vợ chồng là trọng. Nay nhà vua vì dân vì nước, đem thân vàng ngọc ra chốn xa trường, thiếp không thể yên tâm ngồi nhà, xin được đi theo để ngày đêm hầu hạ, mong giúp nhà vua được phần nào yên tâm, lo việc lớn. Xin bệ hạ cho thần thiếp giữ được vẹn đạo phu thê.
Nghe quý phi nói, nhà vua lấy làm cảm động, bèn chuẩn tấu.
Đoàn chiến thuyền ra khỏi cửa Đại An, men theo bờ biển Thanh Hoá đến Nghệ An. Thật không may, năm ấy đến tháng chạp còn bão muộn. Đoàn thuyền đến cửa biển Kỳ Hoa (nay là huyện Kỳ Anh) thì trời nỗi cơn giông bão. Sóng to, gió lớn. Suốt ngày đêm quân sĩ vật lộn với giông bão. Vài chiếc thuyền bị sóng dồi va phải đá chìm nghỉm xuống biển. Vua Duệ Tôn rất lo lắng. Chẳng lẽ chỉ vì một trận bão mà kế hoạch to lớn của ông sụp đổ tan tành hay sao. Đêm hôm ấy, trong cơn giông bão, vua nửa mê nửa tỉnh, thấy thần biển hiện lên, đòi nhà vua gả cho một cung phi làm vợ, sẽ làm yên bão biển. Vua tỉnh dậy, thắp đèn ngồi thở dài.
Nàng Bích Châu hầu hạ bên vua, bèn hỏi nguồn cơn. Vua kể lại giấc mộng. Nàng liền quỳ xuống:
- Thần thiếp từ khi vào cung, được bệ hạ sủng ái, ơn ấy chưa biết lấy gì báo đáp. Nay, quân sĩ gặp nạn, thần thiếp xin hy sinh để nguôi cơn giận của thần biển... Thiếp chỉ cầu xin sau khi thiếp chết, bệ hạ hãy sửa văn, nghỉ võ, tìm dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, nghĩ kế lâu dài cho trăm họ...
Nói xong, nàng Bích Châu ra đầu thuyền rồng, nhẩy xuống biển. Sáng hôm sau, quả nhiên biển yên sóng lặng. Vua Duệ Tôn thương tiếc vô cùng, cho lập đàn cúng tế, và xây miếu thờ trên bờ biển.
Đoàn chiến thuyền tiếp tục vượt biển đến cửa Nhật Lệ. Vua lên bộ, cưỡi ngựa đi trên bờ. Nhà vua cưỡi con ngựa đen, mặc giáp màu đen, trông oai phong lẫm liệt.
Đại sai Ngự Câu Vương Trần Húc, con trai thượng hoàng Nghệ Tôn, và là con rể của vua, mặc quần áo trắng cưỡi con ngựa trắng đi bên cạnh. Duệ Tôn vui vẻ nói với tả hữu:
- Dòng dõi anh ta là dòng văn. Dòng dõi của ta là dòng võ. Họ nhà Trần ta vàn võ song toàn. Phen này, ta ra quân cả văn cả võ, chắc chắc giặc nước phải dẹp yên.
Ba quân trên thuyền. nhìn vua và Ngự Câu vương một đen một trắng song song bên nhau liền reo hò: Nhà vua vạn tuế.
Duệ Tôn lấy làm đẹp lòng, cho quân sĩ đóng quân ở cửa Nhật Lệ, thao diễn tập thuỷ quân, quân đội tập luyện rất quy củ. Tin vua Đại Việt quân tướng tập luyện, khí thế rất hùng mạnh, lan cả vào đất Chiêm Thành, làm dân nước nọ xáo xác, chuẩn bị chạy trốn. Nhiều nhà buôn ở thành Đồ Bàn đến quân doanh Đại Việt xin đầu hàng và thông báo tin tức về quân Chiêm. Vua Duệ Tôn cả mừng:
- Phen này trời giúp ta rồi?
Tháng giêng, đoàn chiến thuyền vượt bờ biển Tân Bình và Hoá Châu tiến sâu vào đất Chăm Pa. Dân Chiêm phần lớn bồng bế nhau chạy lên núi. Một số quan lại địa phương bày hương án ngoài bờ biển, mang rượu thịt đến khao quân Việt và xin được đầu hàng. Vua Duệ Tôn vui mừng, sai người ra vỗ về họ. Vua hỏi:
- Tình hình Chế Bồng Nga ra sao?
- Tâu bệ hạ, vua nước tôi không tự lượng sức mình đã làm nhà vua tức giận động binh. Nay, nghe đại quân kéo đến, vua nước tôi đã trốn khỏi kinh thành.
Mười hai vạn quân Đại Việt rầm rộ tiến vào kinh thành Đồ Bàn. Suốt dọc đường hành quân, không hề có một chút kháng cự. Những xóm làng không có bóng người. không cả tiếng gà tiếng chó. Ngay cả kinh thành Đồ Bàn cũng chỉ là một toà thành rỗng không.
Đoàn quân tiên phong vào thành trước, thấy không có cạm bẫy. Vua sai tướng Đỗ Bình đóng hậu quân chung quanh thành. Duệ Tôn cưỡi con ngựa đen. Ngự Câu vương cưỡi con ngựa trắng theo cửa hướng đông đi vào trung tâm. Quân tiên phong về báo cung điện của Chế Bồng Nga không thấy có người. Vua chỉ ngọn núi cao ở giữa thành trên có ngọn tháp đỏ au như một ngọn lửa vươn lên trời cao. hỏi:
- Nơi kia là gì?
- Tâu bệ hạ, đó là ngọn tháp cao hai mươi trượng hình vuông, bốn góc có những cánh xoè ra nên dân Việt đến đây buôn bán vẫn gọi là Tháp cánh tiên: Tháp thờ thần, nên nằm ở nơi cao nhất giữa kinh đô.
Vua bảo:
- Trẫm muốn đóng quân nơi đó. Ở trên cao có thể nhìn ra bốn phía, phòng động tĩnh của giặc.
Ở cửa ra vào, có hai con voi lớn bằng đá, đang tung vòi như muốn bay lên phía trước. Đôi voi đá như đang xung trận, dáng hùng vĩ rất sinh động. Vua sai lấy thang trèo lên lưng voi, rồi đứng lên đầu voi nhìn ra chung quanh thành Đồ Bàn. Ông nói với Ngự Câu vương, đứng dưới đất.
- Trẫm không ngờ lại có ngày hôm nay. Chế Bồng Nga chẳng qua chỉ là một con thỏ hang.
Hôm sau, tướng Chiêm là Thu Bà Ma tự trói hai tay đến xin đầu hàng:
- Vua nước tôi là Chế Bồng Nga như con chuột nhắt đã trốn lên núi. Chế bắt trai tráng nước tôi phải liên miên chiến tranh với Đại Việt. Cho nên, khi quân Việt đến họ bỏ trốn cả. Vua Chiêm thế cô phải chạy vào rừng. Bệ hạ hãy đuổi theo mà giết đi. Người dân nước tôi ai cũng đồng tình.
Đại tướng Đỗ Lễ, thấy vậy can ngăn:.
- Chế Bồng Nga trốn chạy. ý nó muốn vẹn nước là hơn cả. Quân ta vào sâu đất người, đánh thành là bất đắc dĩ. Xin hãy sai một người giỏi ăn nói, cầm thư đến hỏi tội, để xem tình hình giặc thế nào đã. Người xưa nói: “Lòng giặc khó lường!” Xin bệ hạ nghĩ lại.
Duệ Tôn cười:
- Ta mình mặc áo giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu đất giặc, không thấy kẻ nào dám chống cự. Đó là vì trời giúp cho. Cổ nhân có câu: “Dụng binh cốt ở thần tốc”. Nay lại dùng dằng không dám tiến nhanh. Thế là trời cho mà không lấy. Nhà ngươi chỉ là hạng đàn bà nhút nhát.
Nói rồi, nhà vua sai lấy váy áo của đám thị tì mặc cho Đỗ Lễ.
Hôm ấy Duệ Tôn cưỡi con ngựa đen và Ngự Câu Vương lại cưỡi con ngựa trắng oai phong theo con đường núi truy bắt Chế Bồng Nga.
Quân Việt tiến lên Tây Nguyên hiểm trở toàn núi cao rừng già. Họ đã rơi vào ổ phục kích của Chế Bồng Nga. Duệ Tôn bị trúng tên độc tử trận. Tướng Đỗ Lễ con người bị chê là nhút nhát như đàn bà đã chiến đấu suốt ngày ròng rã để bảo vệ xác vua Duệ Tôn. Cuối cùng, ông cũng ngã xuống.
Chế Bồng Nga bắt được Ngự Câu vương cưỡi con ngựa trắng:
- Có phải ngươi là con trai Nghệ Tôn? Chớ có sợ. Ta sẽ gả công chúa cho người và phong người làm An Nam quốc vương.
Lê Quý Ly đang trên đường tải lương vào cho đại quân, nghe tin Duệ Tôn tử trận, ông đứng ở đầu thuyền than thở:
- Thế là bao công sức ta bỏ ra xây dựng cho quân đội nhà Trần, nay bỗng chốc tan tành. Nhà Trần đã hết vượng khí rồi sao? Văn ư? Võ ư? Văn cũng đã dứt mà võ cũng đã kiệt rồi sao?
Chỉ biết rằng sau trận tan tác mười hai vạn quân dưới tay Chế Bồng Nga áy, Nhà Trần đã không tài nào ngóc đầu lên được nữa. Ông vua hiền Trần Nghệ Tôn lại phải gồng đôi vai già gánh vác việc non sông.



Hết Chương 2-. Mời bạn xem tiếp : Phần IV- Chương -1- Cái chết của ông vua già .
• LIÊN HỆ - HỖ TRỢ

XÂY DỰNG MỘT WAP MIỄN PHÍ
TRÊN DI ĐỘNG

WWW.CHODIENTHOAI
1