Chương 6
Nguyễn Cẩn trở nên thân thiết với Phạm Sinh
Nguyễn Cẩn trở nên thân thiết với Phạm Sinh. Cẩn thường mang rượu đến ngôi chùa đổ, lúc ngắm hoa, lúc ngâm thơ cùng Phạm.
Một đêm, hai người tay xách bình rượu đồ nhắm vai, mang ống sáo, xuống thuyền chơi tráng trên Đại Hồ. Ra khỏi vũng lau sậy, thấy mặt hồ bao la, lóng lánh sóng nước. Cẩn thổi sáo. Tiếng sáo buồn như ngọn gió hiu hiu lan toả khắp mọi nơi. Chợt khói sương từ hòn đảo bồng bềnh giữa hồ lẻn ra, lan toả, giăng mùng trước mắt. Chẳng biết đâu là trời, là nước. Hòn đảo mọc đầy lau lách trước mắt bỗng trở nên mờ ảo, khi ẩn khi hiện. Nhìn lên chẳng thấy bóng trăng, chỉ còn thấy màn sữa đục, loãng và xôm xốp. Tiếng sáo dứt. Vẳng lạng mênh mông. Mấy con vạc, từ khu chùa đổ bay ra cánh đầm, thỉnh thoảng kêu lên vài tiếng buồn tênh. Một cô gái đánh cá đêm ở phía tít xa, hát lên một giọng ca chài không rõ tiếng, nhưng buồn não ruột.
Trông khắp mọi nơi, chợt Phạm thấy trong lòng thổn thức. Bèn gõ khẽ mạn thuyền mà hát rằng:
Sương đêm tim tím,
Đáy nước trăng tà.
Hạc đêm cô quạnh
Góc trời ngân nga.
Gõ mạn thuyền bài hát “Chu trung thính vũ”
Vạn cổ sầu mỗi khúc mỗi tơ vương.
Thăm thẳm dòng xuân tràn khắp ngả,
Đòi đoạn tơ lòng,
Ròng ròng sương nhỏ.
Núi sông ơi! Mưa gió đến bao giờ
Nguyễn Cẩn rót một chén rượu, sung sướng mời Phạm:
- Thật không ngờ, huynh lại có tài ngẫu hứng nhả ngọc phun châu đến vậy. Chả trách...
- Quan huynh? ý quan huynh...?
- Chả trách đã lọt mắt xanh của... thái sư.
Phạm nói giọng tâm sự khéo léo:
- Từ thủa nhỏ kẻ học trò hèn này vốn thích câu ca... nét chữ... chỉ là những thứ tài mọn... Còn như huynh, cái tài giúp đời mới là điều hữu ích...
Mắt Cẩn chợt sáng lên. Giọng dần dần sôi nổi và sảng khoái:.
- Thái sư thật có con mắt tinh đời. Chỉ mới qua nét bút của huynh, người đã nhận ngay ra. Xin có lời mừng cho huynh. Giữa trần ai mà đoán mặt anh hùng; việc ấy thực là.. tài minh chủ. Nói thật lòng, lúc mới gặp huynh, nghe thái sư đoán nhận, ta vẫn có ý không phục, nhưng rồi gần huynh, ta mới hiểu.
- Minh chủ ư?
- Trong lúc như thế này... đất nước rất cần một minh chủ... Trong những năm qua... đã có bao nhiêu người... Và hiện nay... cũng có bao nhiêu người... Nhưng thử hỏi có ai xứng làm minh chủ.. kẻ sĩ... người có chí... cũng phải có con mắt tinh đời... để nhận ra đâu là chân, đâu là giả. Cái độc ác, cái khủng khiếp lắm khi chỉ là cái vỏ... vờ vĩnh... để đằng sau nó ẩn nấp cái chân thiện, mà người đời, kẻ tầm thường không bao giờ nhìn thấy.
- Minh chủ? - Phạm bâng khuâng nghe giọng sôi nổi của Cẩn. Lạ thật Con người như anh ta cũng mang một cái vỏ che dấu ư? Hay ta cũng chỉ là kẻ ngốc nghếch. Có ai nghĩ rằng con người tưởng như chỉ là một kẻ tay sai xoàng xĩnh, một thứ thư lại, lại có những ý nghĩ như vậy. Cẩn không nhìn vào mặt Phạm. Đôi mắt anh nhìn ra mặt hồ bao la, sương khói mù mịt. Giọng anh như thể nói với chính bản thân:
- Minh chủ. Đó là điều quan hệ! Khách đa tình sẵn sàng vứt bỏ tất cả vì một hồng nhan tri kỷ. Người anh hùng sẵn sàng chết vì bạn tri âm. Kẻ sĩ sẵn sàng liều thân vì một minh chủ. Trên đời có mấy ai vừa đại trí... đại đức, lại có đôi mắt xanh?...
Rồi Cẩn đưa sáo lên môi thổi khúc Phượng hoàng mà Hồ Nguyên Trừng lúc say vẫn hát.
Phượng hoàng hề.
Phượng hoàng hề, bay vút trời cao...
Phượng hoàng hề, ngươi ở nơi nao
***
Thượng tướng Khát Chân, qua Phạm Tổ Thu, gửi đến Phạm Sinh những lời nhận xét về Nguyễn Cẩn:
- Một kẻ thông minh lanh lợi. Anh ta cuồng nhiệt vì ý tưởng Minh Đạo của Quý Ly. Nhiệt tình ấy, những người trung thần nào có thiếu. Cá đã cắn câu nhưng còn lượn lờ qua lại. Cần hết sức thận trọng với Cẩn. Sự thân mật của Cẩn với Phạm sau đêm bơi thuyền trên Đại Hồ, lại thêm phần gắn bó. Có lẽ Cẩn muốn tìm thấy ở Phạm Sinh một tri âm; Cẩn mang ngựa mời Sinh đến chơi nhà mình.
Nguyễn Cẩn dòng dõi Trâu Canh. Trâu Canh, thời vua trần Dụ Tôn, có công chữa bệnh liệt dương cho vua nên được vua yêu. Canh cậy thế làm càn nên phải tội may được tha chết. Trâu Canh có nhiều điều lạ. Đồn rằng: Trâu Canh cải sang họ Nguyễn, vì vậy con trai thành Nguyễn Điền, cháu nội thành Nguyễn Cẩn. Lời đồn đại về Trâu Canh có nhiều điều lạ. Đồn rằng: Trâu Canh bố là Trâu Tôn chết sớm. Ở với mẹ nghèo khó. Hàng ngày, Canh đi mò cua bắt ốc. Một hôm xuống nước, Canh bứt một sợi dây leo bên bờ ao buộc quanh bụng để treo cái rọ. Không ngờ, sau đó con chim của anh ta cứ cương cứng suốt ngày không chịu rũ xuống lúc nào. Hổ thẹn quá, Canh không dám lên bờ, suốt cả ngày ngâm mình dưới nước. Về sau, cởi chiếc giây leo ra, thấy yên ổn. Và Canh hiểu ra, sở dĩ con chim của anh cương cứng lên như vậy là do sợi dây leo. Nó là dây cường dương. Canh mang thứ giây leo ấy về vườn nhà mình và trở thành ông lang giỏi vô địch về chữa bệnh liệt dương. Chữa khỏi bệnh cho vua Dụ Tôn và nhiều vương gia nhà quyền quý khác trong triều đình. Cẩn biết Phạm cũng nghe được lời đồn như thế. Nguyễn Cẩn cười và giải thích cho Phạm về thân thế của mình:
- Cụ nội tôi, Trâu Tôn, là thầy thuốc đi theo quân đội nhà Nguyên, chữa thương cho binh lính. Quân Nguyên thua nhà Trần. Cụ Tôn ở lại Đại Việt, lấy vợ đẻ ra Trâu Canh. Cụ Canh mắc tội đi đầy, may được người con gái họ Nguyễn thương yêu cưu mang nên còn sống, cảm ơn cứu tử, cụ đổi họ Trâu sang họ Nguyễn. Cụ Trâu Tôn giỏi nghề mổ xẻ và có nhiều phương thuốc bí truyền nên mấy đời nay gia đình tôi nổi tiếng ở Thăng Long, nhất là cách chữa bệnh nhanh chóng và quyết liệt.
Phạm nói:
- Có lẽ cụ tổ gia đình huynh làm thày thuốc mổ xẻ nên đẻ ra cách trị bệnh quyết liệt như vậy.
Cả hai cùng cười.
Khu trang trại của gia đình Nguyễn Cẩn khá rộng rãi, đẹp đẽ, nằm cạnh Tây Hồ. Những thửa đất bên hồ trồng hoa, những chỗ xa hồ trồng nhãn. Con đường dẫn vào nhà tiền đường đi giữa vườn hoa muôn sắc hương đó Nguyễn Cẩn đưa bạn đến khu ở riêng của mình.
Phạm nói:
- Đệ muốn làm lễ ra mắt với cụ lang trước đã.
- Thân phụ tôi đang mắc việc bận.
Vợ Cẩn dẫn con ra chào khách. Phạm chợt nhận xét trong bụng: “Sao người đàn bà này buồn làm vậy. Rõ ràng chị ta tươi cười đón khách, nhưng vẻ mặt và đôi mắt mới u buồn làm sao?”. Cẩn dẫn Phạm đi thăm các nơi.
Đặc biệt là khu trại voi. Khi Cẩn và Phạm đến nơi thì những người quản tượng đương cho một chục con voi tập. Những quản tượng mặc áo đỏ nẹp vàng cầm chiếc đòn và chiếc búa điều khiển ngồi trên đầu voi. Thấy Cẩn đến, người chánh quản hô chào. Những quản tượng gõ chiếc búa gỗ theo một nhịp nào đó lên đầu voi. Tức thì những con voi quỳ hai chân trước xuống. Sau đó họ cho voi tiến, lui, chạy rất quy củ.
Cẩn giải thích:
- Voi là một sức mạnh riêng của quân phương nam chúng ta. Phương bắc không có tượng binh. Vừa qua, đội tượng binh của chúng ta rất yếu. Tôi tuân lệnh thái sư củng cố đội voi trận. Tôi tìm hiểu kỹ chuyện này. Phải vào Hoan, ái tìm những quản tượng giỏi, hậu đãi họ, để họ chuyên luyện voi và dạy nghề quản tượng cho bọn trai trẻ. Trước sau, ta cũng phải đối mặt với phương Bắc... Huynh đài có hiểu ý tôi không?
Lúc Cẩn mời Phạm đến nhà, Phạm chưa hiểu ý định của Cẩn, lúc này Phạm mới hơi vỡ lẽ một chút. Anh ta đã tin mình phần nào rồi đây. Nhưng tiếp theo...
Nguyễn Cẩn như cũng đoán được những ý nghĩ của Phạm, anh ta nói:
- Không hiểu sao mới gặp nhau, tôi đã rất tin tưởng ở huynh. Tôi nghĩ: đây là người bạn của ta...
Lời nói làm Phạm ngạc nhiên. Người làm những việc như Cẩn lại mong muốn một tình bạn ư? Hay là... hay là kìa sao gương mặt Cẩn lại rất thành thật? Một lời tâm sự, hay những trá nguỵ? Cũng có thể lắm chứ? ở tít cạnh một ngôi cao... mở mắt ra... chạm tay về tứ phía... lúc nào, chỗ nào cũng lúc nhúc những cạm bẫy và âm mưu. Sống như thế, chắc hẳn phải thấy cô đơn. Anh ta muốn một tình bạn là phải.
Cẩn vẫn tiếp tục:
- Cả huynh nữa, rồi thì... rốt cuộc... huynh cũng sẽ thèm một một người bạn, khi huynh hoàn toàn là người của thái sư... Tôi sẽ dần dần chỉ cho hết, nói cho huynh hết. Trại voi này chỉ là một điều quan trọng, còn nhiều điều khác quan trọng hơn. Hôm nay, chính hôm nay, huynh sẽ biết thêm một điều nữa... một điều cực kỳ bí mật... mà sẽ chẳng ai ngoài huynh được biết.
Về đến nhà, người đàn bà có gương mặt buồn, vợ Cẩn, chạy ra nói:
- Tôi đã chuẩn bị cơm rượu sắp xong. Mời bác và chàng vào nghỉ ngơi, rửa mặt.
Cẩn quay sang Phạm nói:
- Lúc này, cha tôi đã về rồi. Để tôi dẫn huynh sang chào cụ.
Nguyễn Điền, tức Trâu Điền, trạc sáu mươi tuổi, để râu dài, nét mặt quắc thước, đang ngồi trên chiếc tràng kỷ khảm trai. Sau khi chào hỏi, ông Điền đưa ra một câu nói làm Phạm Sinh ngỡ ngàng sửng sốt.
- Có phải đây là vị khách con mời đến để coi thăm “tịnh thân đường” của chúng ta không?
Cẩn trả lời:
- Phạm huynh là người bạn con mới gặp.
Phạm Sinh vẫn chưa hết sửng sốt, anh hỏi ông già:
- Thưa bác, “tình thân đường” có phải... nghĩa là..
Giọng ông già bình thản giải thích:
- Vâng, đúng nghĩa chữ “tình thân” đấy... Làm cho thân ta trở nên chay tịnh... hết những hệ luỵ dày vò. Con người sẽ tập trung được tinh thần vào những việc mà ta ao ước... những việc có thể lưu danh với đời.
Phạm Sinh càng ngạc nhiên hơn khi ông già tiếp:
- Việc “tình thân” là một công việc khó khăn, hệ trọng. Sinh mạng con người đặt vào hai bàn tay này. Có phải như chuyện thiến một con gà đâu? Con người ta phức tạp hơn nhiều. Phải làm thế nào để ít chảy máu. Phải làm thế nào để cho tuyệt nọc. Làm một lần là xong.. sạch sẽ... phải làm thế nào cho thật nhanh và chính xác. Rồi trước khi tịnh thân, sau khi tịnh thân, phải kiêng cữ ra sao? Nhưng, ông tổ tôi đã làm công việc y đức này... Việc bí truyền trong dòng họ... Hầu như chẳng bao giờ sai sẩy... Như hôm nay, tôi vừa tịnh thân cho ba người xong. Ba chàng trai dành cho việc triều cống nhà Minh vào cuối năm nay. Bên Bắc họ kỹ càng lắm. Quan tổng quản thái giám bên ấy cũng biết tiếng gia đình tôi. Ông ta biên thư sang: yêu cầu triều đình ta phải để do chính tay tôi làm...
Ông già nói giọng sang sảng, nhưng vừa tiến hành xong mấy trường hợp phẫu thuật, nên không dấu được vẻ mệt mỏi trên gương mặt. Cẩn và Sinh vội cáo từ, lui về, cho ông già nghỉ ngơi.
Phạm Sinh trở nên ngơ ngác, suy nghĩ câu chuyện này có ý nghĩa gì? Phạm đang đi vào một mảnh đất đầy bí ẩn. Nguyễn Cẩn hay thái sư định trao cho ta làm một việc gì đây? Sao Cẩn lại hé lộ cho ta thấy những điều mà người ta không nên để mắt tới? Phải chăng đây là điều bí mật mà lúc thăm trại voi anh ta đã đả động tới? Cẩn dẫn Phạm đi qua một vườn cây, trông thấy một dãy nhà bên hồ và nói:
“Tịnh thân đường” của cha tôi đấy. Nhà Minh, đầu năm nay, yêu cầu Đại Việt phải nộp cống hai chục đồng nam, để làm hoạn quan. Tuổi từ mười, đến mười lăm, mười sáu. Khôi ngô tuấn tú, thông minh, biết chữ. Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương là người đa nghi. Ông giết hại công thần, không cho hoạn quan tham dự triều chính. Ông sợ nạn hoạn quan nhưng không thể thiếu hoạn quan. Vì thế cả ông khi còn sống và con ông lúc nối ngôi đều tăng cường dùng hoạn quan người nước ngoài. Dùng cách này có nhiều cái lợi... Trong những điều lợi ấy, nhà Minh có thể mua chuộc, dùng hoạn quan và người nhà của họ làm gián điệp dò xét đất nước ta.
- Đã có dấu hiệu đó?
- Đã có nhiều chuyện rõ ràng về việc dụng gián của họ.
- Tại sao ta không lợi dụng lại đưa người của ta sang...
Nguyễn Cẩn gật đầu:
- ý của huynh thật đúng với ý thái sư.
Hai người đến bên bờ rào khu “nhà thiến” đã được mang cái tên mỹ miều: “Tịnh thân đường”. Những chuyện vừa xảy ra kích thích trí tò mò của Phạm đến cao độ. Nhưng Cẩn không đưa bạn vào đó, anh ta chỉ đứng bên ngoài để giới thiệu:
Người được tịnh thân phải hoàn toàn tự nguyện. Ký giao kèo cam kết bằng lòng, gia đình được trả một món tiền lớn. Ba ngày đầu tiên, họ được nhốt trong căn nhà thứ nhất; mỗi người một phòng riêng, kín gió. Ba ngày đó kiêng ăn uống mọi thứ để sau đó không đại tiểu tiện. Sáng hôm thứ tư, người tịnh thân được uống một thứ rượu thật nặng, uống cho đến say mềm, mê man bất tỉnh. Tiếp đó, đưa họ sang căn nhà thứ hai. Nơi đây chính là y đường, nơi tiến hành việc cắt bỏ. Chỗ sẽ cắt phải tẩm dầu tê. Dao thật sắc, cắt một nhát là xong tất cả cụm, không bỏ sót một tí gì. Cái khó là chọn đúng chỗ. Cắt chệch chỗ có thể chết. Người tịnh thân nằm trên bàn, cái bàn đặt trên một hố vôi bột. Sau khi cắt, họ được đưa sang ngôi nhà thứ ba, ngôi nhà dưới gốc cây mát rượi. Chung quanh bao bọc những vườn hoa. Người tịnh thân xong, nhịn ăn thêm ba ngày, và ở trong nhà kín, kiêng gió nửa tháng...
Nghe Cẩn say sưa nói, một thoáng nghĩ chua chát chợt len lỏi vào trong tâm tưởng Phạm Sinh. Từ trước đến nay, Phạm cứ tưởng mình đã bày đặt sắp xếp cho mọi việc phải xảy ra theo ý riêng mình, hoá ra lại là bị xỏ mũi. Tưởng chủ động hoá ra bị động. Hai người quay trở về lúc trời đã xế chiều. Người đàn bà có gương mặt buồn đã sắp sẵn cơm rượu. Phạm cáo từ định ra về, nhưng Cẩn cố giữ lại.
Đêm nay, huynh phải ở lại. Chúng ta sẽ hàn huyên cho thoả thích. Huynh đã cho tôi bơi thuyền ngắm tràng trên Đại Hồ. Còn tôi, đêm nay sẽ đãi huynh một bữa tiệc trăng thâu đêm suốt sáng trên Tây Hồ. Nguyễn Cẩn sai gia nhân chuẩn bị một con thuyền nửa có mui, sắp sẵn đủ cả chăn màn, đồ nhạc khí, rượu ngon và thức nhắm. Chờ trăng lên mới cho thuyền rời bến.
Lũ gia nhân đẩy mái chèo ra đến giữa hồ, cắm sào, neo thuyền, rồi sang thuyền khác bơi tản vào sương mù, chỉ còn để lại hai người giữa mênh mông sóng nước. Chiếc đèn lồng buộc trên cọc thuyền cao thắp lên, ánh vàng lan toả vào sương đêm, làm cho không gian quanh vùng hồng hồng sắc đỏ, nhưng đưa mắt nhìn đến cuối trời thì lại chỉ thấy một mầu tím ngắt. Phạm Sinh thở dài. Nguyễn Cẩn vội thả đèn xuống, tắt đi, rồi nói:
- Đã lâu lắm tôi chẳng bơi thuyền. Ngày trước hai hoàng thân Nguyên Dận và Nguyên Uyên vẫn thuê thuyền để chơi bời hát xướng trên hồ. Lúc đó, thuyền này chứa được chục người. Đèn lồng treo quanh thuyền toả ánh xanh đỏ xuống mặt nước. Rồi kỹ nữ đàn ca thâu đêm... Rộn ràng, đẹp đẽ như cảnh tiên. Về sau Dận và Uyên, lúc Nghệ Hoàng mất, có ý phản nghịch, bị thái sư xử tội chết. Từ đó, Tây Hồ hết cảnh náo nhiệt. Bọn gia nhân tưởng tôi và huynh cũng như Dận và Uyên khi xưa nên đã thắp đèn lồng... nhưng chỉ thắp thử một chiếc thôi.
Phạm cười vang mặt nước.
- Hoá ra họ có ý thăm dò... tưởng tôi là một công tử, biết đâu rằng chỉ là anh học trò kiết.
Hai người ra đứng ở đầu thuyền, ngắm nhìn đêm Tây Hồ. Trăng lu. Cả một bầu trời pha sữa loãng. Không có gió, chỉ có sương giăng mù mịt và một không gian tịch mịch, vắng cả tiếng chim đêm.Thỉnh thoảng, sương lại vén màn, để mắt ta thoáng nhìn thấy những ngọn đèn chài ở tít xa xa, như những đốm lửa ma trơi lúc phồng to bằng quả bưởi, lúc xẹp nhỏ chỉ như hạt đậu rồi thoắt một cái đã biến mất, chỉ còn để lại dấu tích của chúng ở những tiếng thanh tre gõ cá lách cách vang lên, nhưng rồi cuối cùng cũng mơ hồ, mất tích trong tịch mịch.
Hai người uống rượu, ngâm thơ, đàn hát, lấy làm thoả thích. Nguyễn Cẩn, nhân chén rượu cao hứng, tay đánh đàn miệng hát. Đầu tiên hát bài “Trăng có tự bao giờ?” rồi sang điệu “Hoa say” cuối cùng lại trở về “khúc Phượng Hoàng”.
Phượng hoàng hề
Phượng hoàng hề bay vút trời cao..
Đến bài này, cao hứng đã đến tột độ, giọng chàng cảm khái, vang vang trong đêm, hoà cùng tiếng sóng oàm oạp vỗ thuyền. Nghe hát xong, Phạm gật đầu:
- Thật bi tráng, nhưng phảng phất chút buồn.
Cẩn gật đầu với sự tri âm... chàng lặng lẽ ngồi xuống uống luôn ba chén rượu. Câu chuyện dần dần đi vào tâm sự.
- Người ta sinh ra ở trên đời không gì bằng thoả chí bình sinh...
- Thế nào là thoả chí?
- Thứ nhất: có một người bạn tri âm, đêm xuống thả thuyền mặc trôi trên sông. nghêu ngao hát khúc “Chu trung thính vũ” chẳng là thoả thích hay sao?
Hai người cười to, chúc nhau cùng uống.
- Thứ nhì: có một tấm hồng nhan, vừa là người đẹp, vừa là bạn tri kỷ, lúc sênh sang thì cùng lên xe xuống ngựa, lúc thất thế sa cơ thì rau cháo không lìa, há chẳng phỉ chí ở đời lắm sao?
- Còn thứ ba?
- Thứ ba là rồng mây gập hội. Kẻ sĩ chỉ là những đám mây trôi nổi trên trời... may ra chỉ hoá thành một cơn mưa, một bóng râm che mát cho đời chốc lát. Mây phải gặp rồng. Có rồng thì mây mới trở thành vần vũ, mới tạo thành chớp giật sấm ran, mới có thể đổi thay thiên hạ, mới có được cái cao vọng nhất trụ kình thiên (trụ chống trời) thay sông đổi núi... Làm cho thiên hạ thành đời Nghiêu Thuần... thái bình.
Phạm Sinh cầm bầu rượu lên tu một hơi dài, chàng không rót ra chén nữa. Và chàng bâng qươ hỏi:
- Nghĩa là phải có biệt nhãn, phải biết nhận ra rồng.
- Phải. đúng là biệt nhãn. Mây phải có biệt nhãn để tìm rồng... mà rồng phải có biệt nhãn để nhận mây. Trên đời mấy ai được phú cho biệt nhãn?
Đến lúc này, họ đã uống tràn cung mây. Họ luân phiên nhau nói, những tiếng nói có lúc là tự nhủ với mình, có lúc lại là lời tâm sự.
- Thật thoả chí bình sinh khi rồng gặp mây. Nhưng đã bao giờ huynh gặp tiên chưa? Tôi nghe nói ở Tây Hồ có vị thuỷ tiên trú ngụ... đêm đêm lúc hoá thành cô gái hái sen, người nức hương, vừa bơi thuyền vừa hát, tiếng hát làm ngát cả một góc trời, có lúc lại biến thành một ông già râu tóc bạc phơ, thổi tiếng tiêu buồn vào đêm tĩnh lặng, ru êm cơ cực trần gian... Như thế cũng chẳng thoả chí lắm sao?
- Con rồng ẩn nay đã hiện hình...
- Tôi hiểu, tôi hiểu ý huynh muốn nói gì...
- Còn chần chờ gì nữa... Thái sư đã nhìn ra tài của huynh.
Cuộc chuyện trò đã quay về đời thực. Cái thực khủng khiếp may nhờ đêm trăng ấp sương, nhờ những hồ lô rượu mịt mù, đã làm giảm bớt sự thô kệch, mài nhẳn những góc cạnh gồ ghề của nó. Chẳng nhớ được rượu nói hay là ai nói nữa?
- Huynh có biết tại sao chúng ta lại uống rượu đêm nay ở một nơi chỉ có trời nước mênh mông và riêng hai chúng ta không?
- Là bởi bài “ Chu trung thính vũ” của tôi hôm xưa. Nó cũng là một câu tâm sự.
- Để tôi kể cho huynh nghe một câu chuyện ngày xưa của nước ta. Ở phường Thái Hoà, bên Hồ Tây, khoảng chỗ kia kìa... thời vua Lý Thánh Tông có một kẻ sĩ tên là Lý Tuấn. Anh ta, ngày học võ, đêm học văn, trở thành người văn võ kiêm toàn, nức tiếng Thăng Long. Tuấn lại có gương mặt khả ái, được bổ vào ngạch thị vệ hầu vua. Lý Thánh Tông rất yêu mới bảo: “Nhà ngươi mặt mày đẹp đẽ, lại có tài, ta muốn hậu dụng. nhược một nỗi không trong hoàng tộc, khó có chức cao. Nếu người bằng lòng “tịnh thân” ta sẽ phong cho chức Hoàng môn chỉ hậu, ngày đêm ở bên ta làm người tâm phúc”. Lúc ấy, Lý Tuấn mới 23 tuổi, mới có vợ, nhưng vì là người có chí lớn, nên bái tạ ơn vua, nhận ba vạn quan tiền, rồi tự hoạn... Ông đã lập bao chiến công hiển hách phá Tống, bình Chiêm, lưu danh trong sử sách đến muôn đời...
- Vâng, Lý Tuấn tức vị đại anh hùng Lý Thường Kiệt...
- Kẻ được người tri âm, nhất là khi người tri âm ấy lại là một đấng minh chủ thì thân ta phỏng có sá gì. Ôi! Đại nghĩa? Vì đại nghĩa, vì người tri kỷ mà Dự Nhượng nuốt than... Này, huynh có để ý đến gương mặt người vợ hiền của tôi không?
- Một gương mặt buồn đến tan nát...
- Thế đấy tôi đâu dám sánh với người xưa... Nhưng một bận thái sư gặp tôi, người bảo: “Ngươi là kẻ có tài, ta rất yêu...”. Còn tôi, tôi đã đọc sách Minh Đạo và phải nói, tôi đã tôn sùng thái sư. Và để tỏ rõ lòng sùng kính, sự tri âm của mình... Tôi đã... tự... tôi... đã để lại một vết thương không chữa nổi trong lòng. trên gương mặt vợ tôi.
- Huynh đã...?
- Vâng... tôi đã làm như vậy...
- Cha huynh có bằng lòng không?
- Cha tôi bảo: “Anh đã có con trai, đã có người nối dõi. Còn chí trai... tuỳ anh quyết định. Ở đời, chẳng có việc lớn nào lại dễ dàng... Làm việc lớn, thân mình có thể tiếc được chăng?...
- Chí lớn! Ha ha... Chí lớn!
Phạm nâng hồ lô rượu lên uống một hơi dài và cười sằng sặc.
- Lý Thường Kiệt đấy? Tư Mã Thiên đấy? Toàn những con người bị thiến hoạn. Ngay cả như huynh... nếu huynh muốn được trọng dụng, cũng không thoát khỏi các thông lệ đó đâu. Ở cạnh một con người kiệt xuất, nếu ta không phải là kẻ bị hoạn hỏi có ai tin? Mà người ta cũng lo liệu cho thấu tình đạt lý... ví dụ huynh sẽ có ba vạn quan tiền... Huynh sẽ mua năm người thiếp... và chờ cho đến khi những người đàn bà ấy đã mang thai... lúc dó.. lúc đó.. sẽ là...
- Ha ha. ta sẽ có năm người thiếp... sẽ có năm đứa con, sẽ là anh quan thị... sẽ thực hành chí lớn...
Phạm và Cẩn uống cho đến li bì quay cuồng trời đất. Họ đếm sao, đếm trăng, nhìn thấy một trăm ông trăng chìm đáy nước. Họ cúi đầu qua mạn thuyền rồi nôn mửa cả vào mặt nước, cả vào những mặt trăng... những mặt trăng vàng úa như những kẻ mác chứng hoàng đản...