Sau khi thành lập chính phủ nhân dân Mao biết là mình đã lộ đuôi cáo nên không còn hy vọng gì vào sự giúp đỡ của người Mỹ, ông bèn hết lời ve vãn Stalin để xin viện trợ. Mặt khác để chứng tỏ lòng trung thành của mình với Stalin, Mao bày tỏ một thái độ hằn học với Anh và Mỹ (khi đó cuộc chiến tranh lạnh đã bắt đầu).
Mao cử Chu Ân Lai tới gặp Đại sứ Liên Xô xin cho Mao được gặp Stalin vào ngày sinh nhật 70 tuổi sắp tới đây của Stalin, 21-12-1949. Stalin đồng ý, nhưng không mời Mao làm quốc khách. Mao đi bằng xe lửa, khởi hành ngày 6-12. Ông không mang theo một cán bộ cao cấp nào, lý do là ông biết chắc chắn mình sẽ bị Stalin "cạo đầu". Không ai biết chuyện gì đã xảy ra trong lần gặp mặt đầu tiên, vì ngay cả đại sứ TQ ở Liên Xô cũng không có mặt. Chúng ta chỉ biết là sau đó Mao được đưa tới tư dinh số 2 của Stalin, ở đó liền mấy ngày mà không được tiếp xúc với ai và cũng không ai được tiếp xúc, ngoại trừ những nhân viên mật vụ có nhiệm vụ theo dõi Mao và báo cáo lại cho Stalin. Tại bữa tiệc mừng sinh nhật Stalin, Mao được xếp ngồi ngay cạnh Stalin và là người khách nước ngoài duy nhất được phát biểu. Sau bài phát biểu, Mao hô lớn: "Stalin vĩ đại muôn năm". "Vinh quang này thuộc về Stalin".
Hai ngày sau Mao được đưa tới gặp Stalin, nhưng khi được yêu cầu giúp Mao phát triển quân sự, Stalin lạnh lùng từ chối. Mao được đưa về lại tư dinh số hai và trong nhiều ngày sau không được gặp mặt ai. Sinh nhật 65 tuổi của Mao, 26-12, trôi qua không có tiệc tùng gì. Biết rằng mọi cuộc nói chuyện ở đây đều bị nghe lén, Mao điện thoại cho Chu Ân Lai hay là ông sẵn sàng bình thường hoá với các quốc gia phương Tây. Ngày 6-1-1950, báo chí Anh quốc đăng tin Mao bị giam lỏng ở Moscow. Chính phủ Anh tuyên bố thừa nhận chính quyền Mao. Lá bài phương Tây quả nhiên hiệu nghiệm. Mao được Stalin cho gặp mặt và cuộc thương thuyết giữa Mao và Stalin thực sự bắt đầu.
Ngày 14-2-1950 Stalin và Mao (có thêm Chu Ân Lai mới tới) ký hiệp ước.
Theo hiệp ước này, Stalin cho TQ vay 300 triệu Mỹ kim trong vòng 5 năm. Stalin chấp thuận bảo trợ 50 dự án kỹ nghệ hạng nặng, nhỏ hơn con số Mao mong muốn nhiều. Đổi lại, Mao đồng ý cho Liên Xô mọi đặc quyền kinh tế, kỹ nghệ và thương mại ở hai vùng Mãn Châu và Tín Giang. Đây là hai vùng có trữ lượng lớn về quặng mỏ. Sau này Đặng Tiểu Bình nói với Gorbachev là "Sau cuộc chiến tranh nha phiến 1842 TQ bị nhiều thế lực ngoại bang xâm lăng, Nhật là kẻ gây thiệt hại nhiều nhất cho TQ, còn Liên Xô là kẻ hưởng lợi nhiều nhất". Hiển nhiên Đặng ám chỉ hiệp ước này.