Ngôi vị chủ tịch nước TQ bị bỏ trống khi Lưu Thiếu Kỳ chết. Lâm Bưu muốn Mao nắm chức đó để Lâm được chính thức làm Phó Chủ tịch nước, nhưng Mao lại muốn bãi bỏ chức đó. Mao rất tức giận khi được biết toàn bộ 5 người chóp bu trong bộ chính trị (Mao, Lâm, Chu, Khang Sinh và Trần Bá Đạt), trừ Mao, đều hậu thuẫn Lâm Bưu.
Mao lập tức cho bắt giam Trần Bá Đạt, và sau đó tại cuộc họp của Bộ chính trị ở Lư Sơn (tháng 8-1970) Mao yêu cầu Lâm Bưu tự phê là đã bị Trần Bá Đạt lừa gạt. Lâm từ chối. Mao quyết định phải thanh trừng Lâm, nhưng vì toàn thể nhân viên chính quyền đều do Lâm lựa chọn Mao phải hành động một cách kín đáo.
Lâm Bưu họp ban tham mưu của mình. Con trai lớn của Lâm, Lâm Lập Quả, vốn quen thuộc với lối sống phương Tây nên luôn coi Mao là kẻ độc tài, quyết định ám sát Mao. Được sự đồng ý của cha, cậu và các bạn cùng tuổi bán thảo về rất nhiều phương cách để ám sát Mao, dùng hơi ngạt, thả bom, bắn vào xe lửa của Mao, vân vân, nhưng không ai thấy cậu có hành động cụ thể gì.
Quan hệ Mao-Lâm càng ngày càng tồi tệ, vì cả hai không ai chịu nhượng bộ ai. Một năm sau cuộc họp Lư Sơn, Mao đã sử dụng thời gian này đi lại các nơi vận động các quan chức được bổ nhiệm bởi Lâm Bưu khuyến dụ họ ngã theo Mao, trong khi Lâm Bưu càng ngày càng cô đơn và không biết nên tin ai để thực hiện kế hoạch ám sát Mao của mình. Thậm chí ông cũng không biết có nên còn tin tưởng Tổng Tham mưu quân đội Hoàng Vĩnh Thắng (người tình của vợ ông) hay không.
Ngày 12-9-1971 Lâm Bưu quyết định đào thoát vào sáng hôm sau. Ông cho nhân viên hay là ông và gia đình sẽ bay đi Dalian (Đại Liên), chỉ là một phi trường gần đó để không ai nghi ngờ. Khoảng 9 giờ tối Lâm Lập Quả nói thật với chị Doudou (Đậu Đậu, các gọi thân thiết của con gái Lâm Bưu, tên thật là Lâm Lập Hành) là gia đình sẽ đào thoát bằng cách bay đi Quảng Đông, sau đó đi Hongkong. Đây là lầm lỗi chí mạng của họ Lâm, vì Doudou vốn coi Mao như thần thánh như bao nhiêu thanh niên của TQ thời đó, cô không chấp nhận cho cha mình phản bội Mao. Doudou bí mật thông báo ý định đào tẩu của gia đình cho lính bảo vệ, và họ điện thoại cho Chu Ân Lai. Chu Ân Lai tức khắc cho lệnh đòi đem cho ông xem lịch trình bay của các máy bay, kể cả máy bay riêng của Lâm Bưu. Khi được biết là Chu đòi xem lịch trình bay, Lâm Bưu quyết định cất cánh ngay, thay vì chờ tới 6 giờ sáng như kế hoạch. Ông cũng quyết định bay đi Ngoại Mông, và sau đó đi Liên Xô. Sợ rằng Mao sẽ cho máy bay truy kích, ông cần rút ngắn thời gian bay trên đất TQ. Không hay biết rằng bí mật của mình bị bại lộ vì Doudou phản bội, Lâm Lập Quả thông báo cho chị là gia đình sẽ đi ra phi trường ngay bây giờ chứ không chờ tới sáng nữa, Doudou trốn ra khỏi nhà và sang tỵ nạn với lính bảo vệ.
Khoảng 11 giờ 50 tối gia đình Lâm Bưu (không có Doudou), một người bạn của Lâm Lập Quả và người đầu bếp chính của Lâm lên xe ra phi trường. Khi ra tới cổng thì lính bảo vệ đòi kiểm soát, Lâm cho lệnh bỏ chạy. Người đầu bếp khi đó nghi ngờ ý định của Lâm Bưu, nên nhảy khỏi xe và bị Lâm Lập Quả bắn trúng tay. Chiếc xe của Lâm Bưu chạy thoát, nhưng bị lính bảo vệ đuổi theo. Lâm Bưu tới phi trường, nhưng chỉ đủ thì giờ để leo lên máy bay và ra lệnh cất cánh ngay lập tức, dù khi đó chiếc máy bay đang được bơm xăng và kiểm soát máy móc. Chiếc máy bay cất cánh lúc 0 giờ 32 phút, đem theo Lâm Bưu, vợ, con trai Lâm Lập Quả, một người bạn của Lâm Lập Quả, người tài xế lái xe và 4 người trong phi hành đoàn gồm một phi công và ba nhân viên sửa máy. Hai tiếng sau, chiếc máy bay đâm đầu xuống đất ở biên giới Mông Cổ, phát nổ và giết chết hết chín người, vì một lý do đơn giản: không đủ xăng bay tiếp.
Ngay khi chiếc máy bay của Lâm Bưu cất cánh, Mao được Chu đánh thức để thông báo tình hình, nhưng khi đó Mao không có bao nhiêu lựa chọn. Ông không tin tưởng không quân hoàn toàn để yêu cầu họ truy kích Lâm Bưu trên không. Mao chọn giải pháp đi trốn, ông dọn vào ở trong phòng 118 trong toà nhà đại sảnh, nơi đó ông đã vừa xây xong một đường hầm chịu được bom nguyên tử như đã kể ở chương trước. Mao chỉ ra khỏi đó chiều ngày 14 khi có tin chính thức là máy bay Lâm Bưu đã lâm nạn.
Khi Mao biết Lâm Bưu có một kế hoạch ám sát ông, có dính dáng tới nhiều người đang nắm những chức vụ cao cấp, tinh thần ông hoàn toàn suy sụp. Trong nhiều ngày ông không ngủ được, dù đã uống không biết bao nhiêu thuốc ngủ. Ông bị ho và nóng. Ông cũng không thở được khi nằm xuống. Khi đó bác sĩ cũng cho biết ông bị bịnh tim. Khi đó Mao là một ông già 78 tuổi. Mao không còn lực lượng và sức lực để thanh trừng cho hết phe đảng của Lâm Bưu.
Ngày 6-2-1972 thống chế Trần Nghị chết vì ung thư. Ban đầu Mao dự trù chỉ cho tổ chức một đám ma nhỏ vì Trần Nghị là người lớn tiếng chống cuộc Cách mạng văn hóa của Mao. Thế nhưng khi ông thấy có quá nhiều cán bộ cũ đến thăm viếng và càng ngày càng có nhiều lời ong tiếng ve chống đối ông, ông thay đổi thái độ: Mao thân hành tới viếng lễ. Tại tang lễ Trần Nghị, Mao đổ thừa là cuộc Cách mạng văn hóa hoàn toàn là ý đồ của Lâm Bưu trong mục đích gạt bỏ ra ngoài những người già như Trần Nghị và Mao.