NGÀY THỨ MƯỜI SÁU.
Hoàng đế và hoàng hậu cùng quay lại nhìn cô gái. Chàng Abuncaxem sau khi đứng lên cũng quay sang nhìn. Vừa trông thấy nàng, chàng trai cũng ngất xỉu luôn chàng. Mắt nhắm nghiền, mặt chàng tái xanh tái xám, tưởng như sắp chết tới nơi. Hoàng đế vội vã đỡ chàng trai, ôm chặt vào người, nhờ vậy chàng dần dần hồi tỉnh.
Khi tỉnh trí được rồi, chàng thưa với hoàng đế:
- Muôn tâu Đấng thống lĩnh các tín đồ, ngài đã biết rõ chuyện từng xảy ra với tôi hồi ở thành phố Cairo. Người nữ tì ngày ngài đang nhìn thấy kia chính là cung nhân đã bị ném xuống dòng sông Nin năm nào, đấy chính là nàng Đacđanê.
- Có thể nào như vậy chăng? – Hoàng đế thốt lên – muôn vàn lần tạ ơn trời đất đã xui khiến nên cuộc hạnh ngộ kỳ diệu này.
Trong thời gian ấy, cô nữ tì được các bạn cứu giúp cũng dần hồi tỉnh. Nàng định phủ phục dưới chân hoàng đế. Nhà vua vừa kịp ngăn lại, và hỏi bởi phép thần nào nàng còn sống sau khi đã bị ném xuống giữa dòng sông Nin. Nàng đáp:
- Muôn tâu Đấng thống lĩnh các tín đồ, may mắn sao hôm ấy em rơi vào chiếc lưới của người ngư phủ, đúng lú người ấy đang kéo lưới lên. Ông ta rất ngạc nhiên sao minh đánh được vật lạ thế này. Nhận thấy em còn thoi thóp, ông vội đưa em về nhà cứu chữa. Em thuật lại cho ông nghe đầu đuôi câu chuyện. Ông tỏ ra kinh hãi lắm, sợ hoàng đế nước Ai Cập nhỡ ra biết rõ ông đã cứu sống em. Lo sợ nếu cưu mang em thì có thể mất mạng sống của chính mình, ông vội vàng bán em cho một nhà buôn nô lệ sắp lên đường tới thành phố Batđa. Nhà buôn ấy mang em đến kinh đô, ít lâu sau dâng trình hoàng hậu Zôbêit, và vinh hạnh em được hoàng hậu nhận mua.
Trong khi cô gái thuật chuyện, hoàng đế chăm chú quan sát cô. Vua thấy cô ta quả có sắc đẹp tuyệt vời. Chờ nàng kể xong, hoàng đế nói với Abuncaxem:
- Chàng trai à, giờ ta không còn lấy làm ngạc nhiên nữa, tại sao anh cứ một lòng thương nhớ không nguôi người đẹp này. Ta cảm tạ trời đất đã dun dủi cho cô ấy đến đây, giúp ta có cơ hội trả cái ơn ta chịu ở anh. Từ giờ phút này, Đacđanê không còn là nô lệ nữa, cô ấy đã trở thành người tự do. Thưa hoàng hậu, - hoàng đế quay sang nói với bà Zôbêit – ta tin bà không phản đối việc ta trả lại tự do cho cô ấy.
- Không những em không phản đối, tâu hoàng đế, - bà nói – em còn rất vui mững được đồng tình với ngài. Em chúc cho đôi tình nhân này được hưởng chọn mọi lạc thú một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc, sau khi bị chia lìa mỗi người một phương bấy nhiều điều bất hạnh.
- Chưa phải chỉ có thế mà thôi,- hoàng đế nói tiếp- ta muốn rằng hôn lễ sẽ được cử hành ngay tại cung điện của ta, và cho phép nhân dân kinh thành Batđa mở hội vui chơi trong ba ngày liền. Bởi ta chẳng biết cách nào đối xử trọng hậu hơn với ông chủ từng hào hiệp đón tiếp ta.
Abuncaxem một lần nữa lại phủ phục dưới chân hoàng đế:
- Ôi, muôn tâu Đấng thống lĩnh các tín đồ, ngài không chỉ là bậc đế vương cao cả hơn mọi vị vua chúa trên đời, ngài còn là con người hào hiệp nhất trên thế gian. Xin cho phép tôi được trình với ngài nơi cất giấu kho báu, tất cả vàng bạc châu báu trong kho từ nay không thuộc sở hữu của tôi nữa, tôi xin được hiến dâng hoàng đế.
- Không đâu,- hoàng đế đáp- anh hãy yên tâm hưởng thụ mọi tài sản anh có, thậm chí ta còn khước từ quyền tối cao của ta trong vụ nay, ta chúc hai người có cuộc sống thật dài lâu để tiêu pha cho hết của cải trong kho tàng.
Hoàng hậu Zôbêit truyền cho chàng con trai thương nhân Apđêlazit và nàng Đacđanê tường thuật đầy đủ mọi câu chuyện từng xảy ra với hai người. Bà sai sử thần chép lại bằng chữ vàng lưu giữ trong văn khố. Tiếp đó, hoàng đế ra lệnh tiến hành hôn lễ cho hai người. Đám cưới cử hành rất huy hoàng. Nhân dân kinh thành còn đang hội hè vui chơi mừng đôi nam nữ, thì chợt thấy tể tướng Giâph rầm rộ kéo quân trở về, áp giải theo viên quan độc ác Abunfata bị trói gô. Còn quốc vương từng trị vì thành phố Basra, vì quá lo âu không lùng bắt được Abuncaxem, đã khiếp đảm mà bỏ mạng trước rồi.
Sau khi tể tướng Giâph tâu trình xong mọi chuyện với hoàng đế, người ta cho dựng lên một đoạn đầu đài và dẫn tên Abunfata độc ác đến đấy. Dân chúng trong kinh thành, biết rõ mọi tội ác của lão, tuyệt nhiên không ai thương hại mà ai ai cũng nóng lòng chứng kiến cuộc hành hình. Đao phủ đã bước tới, mã tấu lăm lăm cầm tay, sắp sửa thi hành mệnh lệnh, thì chàng Abuncaxem vội vã phủ phục dưới chân hoàng đế Harun van xin:
- Muôn tau Đấng thống lĩnh các tín đồ, cúi xin ngài hãy chấp nhận lời cầu khẩn của tôi cho Abunfata khỏi bị gia hình. Xin ngài hãy cho y được sống, cho y được tận mắt nhìn thấy hạnh phúc của chúng tôi, được tận mắt nhìn thấy mọi ân huệ ngài ban cho tôi, như vậy há chẳng phải là sự trừng phạt nặng nề nhất cho y rồi sao
Hoàng đế thốt lên:
- Ơi anh chàng Abuncaxem quá đỗi rộng lượng, anh thật xứng đáng làm vua. Hạnh phúc thay cho nhân dân thành phố Basra được anh trị vì!
- Muôn tâu, tôi còn muốn được cầu xin hoàng thượng ban cho một ân sủng nữa. Xin ngài hãy ban cho hoàng thân Aly chiếc ngai vàng ngài đã hạ cố dành cho tôi. Để hoàng thân có cơ hội cùng với nàng tiểu thư đã hào hiệp cứu mạng sống của tôi khỏi sự hung ác của cha nàng. Đôi uyên ương ấy quả xứng đáng với ân huệ của ngài. Về phần tôi, được Đấng thống lĩnh các tín đồ quý mến và che chở, như vậy là tôi đã quá hạnh phúc rồi, như vậy còn quý hơn cao sang hơn tất cả mọi quân vương khác trên đời.
Hoàng đế chấp thuận. Để thưởng công hoàng thân Aly về những việc chàng đã làm cho con trai thân thương Apđêlazit, hoàng đế sai mang chiếu chỉ sang phong cho hoàng thân làm vua thành Basra. Tuy nhiên nhận thấy Abunfata phạm nhiều tội ác quá nặng nề không thể vừa tha cho tội chết vừa cho y được tự do, hoàng đế sai giam lão trọn đời trong ngục tối. Khi nhân dân thành phố Batđa hay tin đích thân người bị hại đã đứng ra xin hoàng đế ân xá cho kẻ làm hại mình, mọi người hết lời khen ngợi Abuncaxem.
Chẳng bao lâu sau, chàng lên đường trở về Basra cùng với nàng Đađanê yêu quý của mình, có sự hộ tống của một đội quân trong đạo vệ binh của hoàng đế cùng nhiều võ quan.
Kể đến đấy, bà nhũ mẫu Xutlumêmê ngừng câu chuyện về chàng Abuncaxem người thành phố Basri. Tất cả người hầu của công chúa nước Casơmia đều dồn dập vỗ tay hoan hô. Những người này ca ngợi vẻ hào hoa và lòng hào hiệp của chàng trai người Basri; những người khác quả quyết hoàng đế Harun An Rasit đại lượng chẳng thua kém chàng. Những người khác nữa, quan tâm nhiều hơn đến tình yêu chung thủy, lại cho rằng quý hơn hết thảy trên đời, là chàng Abuncaxem tỏ ra một tình nhân thật sự chung tình. Đến lúc này công chúa Farucna mới ngỏ lời nói lên quan điểm của mình như sau:
- Tôi không đồng ý với ý kiến của các người. Cho dù nàng Danki đã không làm cho Abuncaxem lãng quên được nàng Dacđanê, tôi vẫn muốn rằng một chàng trai đang yêu, nhỡ khi người yêu mình chẳng may qua đời, sẽ chẳng bao giờ còn cảm thấy rung động trước một tình yêu khác mới chớm nở. Nhưng trên đời này, bói đâu ra người đàn ông kiên trì và chung thủy đến vậy.
- Xin công chúa thứ lỗi – bà Xutlumêmê lên tiếng- vẫn có những đấng nam nhi mà vẫn sự chung tình trải qua muôn vàn thử thách. Công chúa sẽ tin chắc điều đó, nếu như nàng vui lòng nghe tôi kể câu chuyện giữa quốc vương Ravansat với công chúa Sêhêristani.
- Ừ thì nghe,- công chúa Farucna đáp- ta cho phép bà kể đấy. Được lời, bà nhũ mẫu bắt đầu kể chuyện mới sau đây.