NGÀY THỨ SÁU.
Nhà vua, theo sau có nhiều hoạn nô cầm đèn soi đường, giận dữ bước vào và quát:
- Con khốn kiếp kia! Có thằng đàn ông nào đang ở đây với mày? Nhiều người thấy nó leo lên qua một cửa sổ căn phòng này, và sợi thừng còn mắc ở cửa sổ ngoài kia!
Nghe vua quát, Đacđanê hoảng hồn, nàng đứng câm như thóc, không thốt nổi một lời. Nàng đã liều lĩnh đến mức ấy, thì bây giờ đến lúc phải trả giá thôi. Hoàng đế phán bảo những người theo hầu:
- Chúng mày hãy lục soát khắp nơi. Không được cho tên khốn kiếp ấy thoát khỏi trừng phạt của ta!
Bọn hoạn nô răm rắp tuân lệnh. Chúng lục lọi khắp nơi. Phát hiện thấy tôi chui dưới gầm ngai, chúng lôi cổ tôi ra, kéo lê đến trước chân nhà vua. Hoàng đế quát:
- Tên khốn nạn kia! Khá khen cho mày to gan lớn mật! Cả thành phố Cairo này hẵn thiếu giống đàn bà cho mày hay sao? Lẽ nào đến hoàng cung của ta, mày cung không kính nễ?
Tôi cũng khiếp đảm chẳng kém nàng cung phi, thiếu chút nữa thì đã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Tôi nghĩ giá như câu chuyện ấy diễn ra đối với ngài ở thành phố Batđa, ngài lâm vào cảnh ngộ của tôi khi ngài bị hoàng đế Harun An Rasit vĩ đại bắt chợt (cúi xin ngài lượng thứ cho ý nghĩ vừa rồi), thì tâm trạng ngài hẳn cũng chẳng khác tôi khi ấy. Tôi không đủ sức nói ra lời. Tôi quỳ mọp dưới chân hoàng đế, chỉ còn chờ chết nữa thôi. Nhà vua đã rút gươm sắp sửa chém thì bỗng xuất hiện một bà cụ già lai đen ngăn vua lại. Bà nói:
- Ngài làm gì vậy, muôn tâu hoàng thượng? Sao ngài lại để tay mình vấy dòng máu đê hèn dường ấy? Chúng nó không đáng để mặt đất này vùi thi thể của chúng, một tên dâm phu không biết thế nào là lòng kính trọng hoàng đế, một con dâm phụ đã đang tâm phản bội ngài? Xin ngài hãy ra lệnh ném cả hai đứa xuống dòng sông Nin, để cho tôm cá rứt xác chúng ra.
Hoàng đế nghe theo lời khuyên. Thế là bọn hoạn nô lôi hai chúng tôi đến bên cửa sổ một tháp canh xây nhô ra sông, ném cả hai xuống dòng Nin.
Tuy có bị choáng khi đập thân xuống nước, vốn là một người giỏi bơi lội, tôi bơi sang bờ bên kia, đối diện với hoàng cung. Thoát khỏi một cái chết cầm chắc, tôi nghĩ đến người phụ nữ, mà cơn thất thần trước lưỡi hái thần chết đã khiến tôi quyên lãng. Thế là tình yêu vượt lên nỗi sợ chết, tôi lại lao xuống dòng sông, cũng hăm hở như khi cố sức trèo lên bờ cho thoát nạn. Tôi bơi xuôi theo dòng, và mặc dù đêm tối đen như mực, vẫn cố giương to mắt nhìn khắp chốn mọi nơi, may ra tìm được xác người đàn bà mà tôi đã gây nên cái chết. Hồi lâu thấy sắp đuối sức, tôi lần leo lên bờ để giữ mạng sống, bởi chết lúc này phỏng còn được ích lợi gì.
Tin chắc mười mươi nàng cung phi sủng ái đã mất mạng, tôi đau đớn tự trách mình không sao tả xiết. Thế là mang thêm mối hận gây nên cái chết cho một con người. Tôi khóc như mưa như gió:
- Hỡi ôi! Giá không có ta, không có mối tình sát hại của ta, thì nàng Đacđanê, nàng Đacđanê xinh đẹp lúc này vẫn sống. Tại sao ta lại dẫn xác đến thành phố Cairo này? Tại sao, đã biết là hoạ vô đơn chí, sự bất hạnh này tất kéo theo sự bất hạnh khác, mà ta vẫn cố tìm kiếm tình yêu ở một con người xinh tươi dường ấy?
Quá đau đớn thấy chính mình là nguyên nhân đưa đến cho người mình yêu quý nỗi bất hạnh tuyệt cùng, sau khi đã trót xảy ra chuyện ấy, việc tôi chần chừ nán lại thành phố Cairo chỉ còn là một sự đáng nguyền rủa mà thôi, tôi lên đường đến thành phố Batđa.
Sau nhiều ngày đi đường, một hôm tôi đến chân một ngọn núi, qua bên kia núi sẽ gặp một thành phố lớn. Tôi dừng chân bên một con suối để nghỉ ngơi và quyết định tạm qua đêm ở nơi này. Tôi ngủ thiếp đi cho đến khi mặt trời đã sắp mọc. Chợt vẳng tiếng khóc rên cách chỗ tôi nằm chừng mấy bước, làm tôi tỉnh hẳn giấc. Tôi lắng tai nghe, dường như đấy là tiếng rên la của một người đàn bà đang bị hành hạ. Tôi vội dậy, tiến đến gần chỗ phát ra tiếng khóc rên, và trông thấy một người đàn ông đang đào huyệt bằng một cái cuốc.
Tôi nấp sau bụi cây để quan sát. Thấy anh chàng sau khi đào cái hố, đặt một vật gì xuống đấy, phủ lớp đất mỏng rồi hối hả bỏ đi. Lúc này mặt trời đã mọc, tôi đến gần xem cho rõ sự tình. Tôi moi lớp đất phủ, thấy một cái túi may bằng vải lớn đẫm máu, trong túi đựng xác một người con gái trẻ dường như vừa trút hơi thở cuối cùng. Bộ quần áo cô mặc cho dù dầm dề máu, vẫn cho thấy rõ đây là một con người thuộc giới thượng lưu. Lòng đầy đau xót và kinh tởm, tôi kêu lên:
- Sao có người dã man đến mức đang tâm hãm hại một thiếu phụ lịch sự thế này? Xin trời đất hãy tiêu diệt tên sát nhân!
Người đàn bà tôi tưởng đã chết, nghe tiếng than, liền cất lời:
- Hỡi người anh em tín đồ hồi giáo, xin hãy đem lòng nhân ái cứu giúp tôi. Nếu người biết kính yêu đấng tạo hoá, xin hãy làm phúc cho tôi ngụm nước, cho dịu bớt cơn khát đang dày vò, để cho tôi bớt đau hơn chút ít.
Tôi vội vàng chạy đến giếng, lật chiếc khăn xếp đội trên đầu xuống vục một khăn đầy nước mang đến cho người thiếu phụ. Uống xong, nàng mở mắt nhìn tôi:
- Ôi hỡi chàng trai trẻ vừa kịp thời cứu mạng em, xin hãy tìm cách cầm máu em lại. Em không nghĩ mình bị tử thương. Xin hãy cứu sống em, rồi người anh em chẳng phải hối tiếc đâu.
Tôi xé chiếc khăn đội đầu và rứt một thân tấm áo đang mặc, băng bó tạm vết thương cho nàng. Nàng nói:
- Người đã làm phúc cho em, xin làm đến nơi đến chốn. Hãy tìm cách đưa em về thành phố, để người ta chữa chạy cho em.
- Thưa phu nhân xinh đẹp,- tôi đáp- tôi là một người nước ngoài, không quen biết ai trong thành phố này. Nếu nhỡ có gặp ai và hỏi tại sao tôi mang theo một người con gái vừa bị ai sát hại này, thì tôi biết trả lời ra sao?
- Hãy bảo đây là em gái chàng, còn mọi việc khác chàng không phải lo âu.
Tôi cõng người thiếu phụ trên lưng, đưa vào thành phố, đến một trạm lưu trú dành cho du khách, nhờ sửa soạn cho nàng một chiếc giường. Tôi cho mời một thầy thuốc đến chạy chữa cho nàng. Ông quả quyết các vết thương của nàng chẳng có gì đáng lo ngại. Quả nhiên chỉ một tháng sau nàng bình phục hoàn toàn. Trong thời gian dưỡng bệnh, nàng hỏi lấy giấy bút, ngồi viết một bức thư đặt vào tận tay tôi và nói:
- Anh hãy tìm đến nơi các thương nhân thường tụ họp với nhau, hỏi có vị nào tên là Maya, và trao bức thư này cho ông ấy. Ông ấy đưa thứ gì, anh hãy nhận lấy và mang về đây cho em.
Tôi mang bức thư của nàng đến tìm trao cho Maya. Ông đọc thư rất chăm chú, kính cẩn hôn bức thư rồi đặt lên đầu. Tiếp đó ông lấy ra hai túi lớn đựng đầy những đồng xơcanh (đơn vị tiền cổ) vàng trao cho tôi. Tôi mang về đưa cho thiếu phụ. Nàng nhờ tôi tìm thuê một ngôi nhà. Thuê được nhà rồi, hai chúng tôi dọn về đấy ở. Vừa tới nhà mới, nàng lại viết cho Maya một bức thư thứ hai, lần này ông trao cho tôi những bốn túi đầy xơcanh. Theo lệnh người thiếu phụ tôi đi mua nhiều trang phục cho nàng và cho tôi, cùng mấy tên nô lệ để hầu hạ trong nhà.
NGÀY THỨ BẢY.
Đối với bà con trong khu phố, tôi là anh trai thiếu phụ, mà trên thực tế tôi sống đúng như một người anh trai thật, cho dù nàng là một con người khá hấp dẫn. Người đẹp Đacđanê vẫn choán hết tâm hồn tôi. Chẳng những không muốn kiếm tìm những cuộc tình mới, hơn một lần tôi định từ biệt nàng, song nàng khẩn khoản van tôi chớ bỏ nàng mà đi. Nàng nói:
- Hãy chờ cho ít nữa, hỡi chàng trai trẻ, em cần có anh một thời gian nữa. Rồi đây em sẽ nói cho anh rõ em là ai, và em những muốn sẽ đền đáp xứng đáng công ơn anh đã giúp đỡ em trong cơn hoạn nạn.
Vậy là tôi vẫn phải ở cùng nhà với nàng. Tất cả những việc tôi làm cho nàng đều thuần tuý xuất phát từ lòng hào hiệp. Cho dù rất muốn biết do căn cớ nào nàng bị người ta âm mưu sát hại, tôi không có cách nào làm cho nàng hé lời. Nhiều lần tôi tạo ra cơ hội để nàng giãi bày đầu đuôi câu chuyện xảy ra, nàng vẫn một mực lặng im, không chịu đáp ứng lòng hiếu kỳ của tôi. Một hôm, nàng đưa cho tôi một túi đựng đầy đồng xơcanh và bảo:
- Anh hãy vào phố tìm một nhà buôn có tên là Namahran. Hãy nói anh cần mua nhiều vải đẹp. Ông ta khắc bày ra nhiều loại, anh chọn mua mấy tấm mà anh thấy vừa ý, rồi trả tiền không mặc cả. Anh hãy tỏ ra thật lịch sự với ông ta, rồi mang vải về đây cho em.
Tôi tìm hỏi nhà ông Namahran ở đâu. Biết địa chỉ rồi, tôi tìm đến nơi, thấy ông đang ngồi trong hiệu. Đấy là một chàng trai trẻ vóc dáng khá đẹp, mái tóc xoăn đen nhánh hơn hạt huyền. Ông mang đôi hoa tai rất sang, và hai bàn tay ngón nào cũng đeo nhẫn nạm những viên kim cương rõ to. Tôi ngồi xuống cạnh ông, hỏi mua vải. Ông đưa ra cho tôi xem nhiều thứ. Tôi chọn lấy ba tấm. Ông ra giá, tôi đếm đủ tiền ngay, và sau khi lịch sự xin cáo từ, tôi sai một tên nô lệ vẫn theo hầu mang về nhà.
Hai hôm sau, thiếu phụ lại trao cho tôi một túi tiền vàng khác, nhờ tôi đến hiệu ông Namahran hỏi mua thêm nhiều loại vải vóc nữa. Lần này nàng lại dặn:
- Xin anh nhớ là chớ có mặc cả, ông ta đòi bao nhiêu, trả đủ bấy nhiêu cho em.
Nhà buôn ấy vừa trông thấy tôi bước vào hiệu, và hiểu rõ ý của khách, vội vàng phô ra nhiều loại vải đẹp nhất. Tôi chọn mấy thứ vừa ý. Đến lúc trả tiền, tôi ném túi đồng vàng cho Namahran, bảo giá hết bao nhiêu, xin ông hãy đếm và cầm tiền hộ. Ông ta có vẻ rất thú vị trước cách ăn chơi ấy. Ông nói với tôi:
- Thưa ngài cao quý, ngài có thể cho tôi vinh hạnh được một hôm nào đó mời ngài đến dùng bữa tối ở tệ xá?
Tôi đáp:
- Rất vui lòng. Có thể ngay ngày mai, nếu như ngài muốn.
Ông chủ hiệu vải mừng rỡ, được như vậy thì vô cùng vinh hạnh cho ông.
Khi tôi thuật lại với thiếu phụ ông chủ hiệu buôn muốn mời tôi dùng bữa tối ở nhà ông, nàng tỏ vẻ vui mừng khôn xiết. Nàng nói:
- Xin anh chớ quên đến đấy dùng bữa nhé. Sau đấy nói đến lượt anh muốn thiết đãi ông ta, mời ông ta chiều hôm sau tới nhà mình. Em sẽ sai chuẩn bị bữa tiệc.
Tôi chẳng hiểu sao nàng tỏ vẻ vui mừng đến vậy; chắc có ý đồ chi đây. Tuy nhiên tôi chẳng muốn tìm hiểu sâu làm gì. Vậy là ngày hôm sau tôi tới nhà ông chủ hiệu vải. Ông ta đãi đằng tôi hết sức trọng thị. Trước khi chia tay ra về, tôi nói ông rõ nhà chúng tôi ở đâu, và ngỏ lời muốn đến lượt mình mời ông ngày hôm sau đến nhà dùng cơm chiều.
Ông ta đến đúng hẹn. Chúng tôi ngồi vào bàn, và suốt buổi chiều hôm ấy, cùng nhau thưởng thức những loại rượu ngon nhất. Người thiếu phụ không muốn cùng tham dự bữa tiệc, hơn nữa nàng cố tình giấu mặt trong suốt bữa ăn. Trước đó nàng đã hết sức cẩn thận dặn tôi cố hết sức làm vui lòng ông khách, và gắng làm sao chớ để ông ta ra về tối hôm ấy. Thế là tôi khẩn khoản cầm chân ông lại. Chúng tôi lại cùng nhau uống rượu, chơi bời đến tận nửa đêm. Lúc này tôi dẫn ông vào một căn phòng gia nhân đã sửa soạn tươm tất, mời ông tạm nghỉ rồi lui về phòng riêng của mình.
Tôi lên giường nằm và ngủ luôn. Song chưa nghỉ ngơi được mấy chốc đã thấy thiếu phụ đến đánh thức. Tôi thấy nàng tay cầm bó đuốc, tay kia nắm cây dao găm. Nàng nói:
- Hỡi chàng trai trẻ, xin hãy tỉnh dậy, hãy đến xem vị đồng thực khách của anh đang ngập trong vũng máu kia.
Những lời nói nghe mà kinh hoàng làm tôi choàng tỉnh. Tôi vội vàng mặc áo, theo chân thiếu phụ đến căn phòng ông khách nghỉ, thấy anh chàng khốn khổ nằm chết sóng sượt trên giường. Tôi kêu lên:
- Hỡi con người độc ác kia, nàng làm gì vậy? Tại sao nàng nỡ có hành vi đen tối đến thế. Tại sao nàng biến tôi trở thành công cụ cho nàng thực hiện cơn điên?
Chàng trai trẻ ơi, - nàng đáp- xin chớ bực mình đã giúp em trả thù Namahran, nó là một tên phản trắc. Anh sẽ không còn thương hại hắn ta nữa một khi anh rõ tội ác của nó, hay đúng hơn khi anh biết chính hắn là kẻ đã gây nên cho em bao điều bất hạnh, mà em xin thuật lại để anh tỏ tường sau đây.
Nàng nói tiếp:
- Em là con gái nhà vua đang trị vì ở thành phố này. Một hôm trên đường đến nhà tắm công cộng, em nhìn thấy Namahran trong cửa hiệu của y, tự nhiên em xúc động trong lòng. Mặc dù cố ngăn mình, hình ảnh anh chàng luôn hiện diện trong tâm trí em. Em cảm thấy si mê hắn ta, em đã cố xua đuổi đi ý nghĩ ấy vì cảm thấy như vậy thật chẳng xứng đáng với địa vị của mình, và đôi lần những tưởng có thể vượt qua. Nhưng em đã nhầm lẫn. Tình yêu chiến thắng sự kiêu sa. Em trở nên bồn chồn rầu rĩ, căn bệnh ấy ngày một trầm trọng thêm, khiến em ngã bệnh nặng. Chắc em đến chết mất vì căn bệnh tương tư ấy. Tuy nhiên bà quản mẫu của em, vốn quen thuộc các triệu chứng của cơn bệnh tình giỏi hơn các vị ngự y nhiều, bà hiểu rõ căn nguyên. Bà khéo léo dỗ dành để em thú thật là suy đoán của bà quả không sai. Em kể cho bà nghe em trở nên say đắm mối tình này trong trường hợp nào. Nghe xong, bà hiểu ra ngay, rõ ràng em đang mắc bệnh si mê Namahran như dại như điên.
Bà tỏ ra thương hại em. Bà hứa sẽ tìm cách làm cho em đỡ đau khổ. Quả vậy, một hôm bà tìm được cách đưa anh chàng nhà buôn trẻ cải trang thành con gái vào được ngôi nhà em đang ở. Em vui mừng được nhìn lại anh ta, đồng thời cũng nhận ra anh vô cùng tỏ ra diễm hạnh trước tình yêu của em. Sau khi giấu anh chàng nhiều ngày trong một gian phòng để có dịp đi lại với em, bà quản mẫu lại khéo léo tìm cách đưa anh chàng ra trót lọt khỏi hoàng cung, y như lần vào. Thế là lâu lâu anh chàng lại đến với em dưới dạng cải trang ấy.