CHƯƠNG THỨ TÁM
NHÀ NHO, KHOA CỬ, LỊCH SỬ KHOA CỬ Ở NƯỚC TA
Nhà nho
A) Thích nghĩa – Nho nghĩa đen là học giả, Nhà nho là người đã theo Nho học, hiểu đạo lý của thánh hiền đời xưa, có thể dạy bảo người đời cư xử cho phải đạo và nếu được đặc dụng , thì đem tài đức của mình mà giúp dân giúp nước.
B) Địa vị trong xã hội. – Tùy theo cảnh ngội, nhà nho có thể chia làm ba hạng:
1) Hiển nho là những người đã hiển đạt, thi đổ làm quan, giúp vua trị dân, có quyền hành, địa vị cao quí trong xã hội.
2) Ẩn nho là những người tuy có học thức tài trí mà không muốn ra gánh vác việc đời, ẩn náu ở nơi sơn lâm hoặc chốn thôn dã để vui thú an nhàn.
3) Hàn nho là nhữngngười cũng theo Nho học, nhưng không đổ đạt để ra làm quan được, ở nhà theo nghề dạy học, làm thuốc, v.v. để lâý kế sinh nhai.
Nhưng dù cảnh ngộ có khác, các nhà nho đều có một tư cách và một chí hướng chung, đều muốn bồi đắp cho cương thường, giữ gìn lấy chính giáo, hoặc lấy sự nghiệp mà giúp vua giúp dân hoặc lấy phẩm hạnh mà làm mẫu mực cho người đời, hoặc lấy giáo hoá mà tác thành bọn hậu tiến, nên đều được xã hội tôn trọng, dù chẳng được triều định ban cho chức vị, bổng lộc cũng được dân chúng quí mến phục tòng (xem bài đọc thêm số 1) .
C) Cách tuyển người làm quan. – Xã hội ta xưa tổ chức theo khuôn phép Nho giáo, nên người cầm quyền trong nước để giúp vua trị dân phải là người trong phái nhà nho, tức là người đã am hiểu đạo lý của Nho giáo. Bởi thế quan trường ở nước ta ngày xưa là do nho phái xuất thân.
Cách lựa chọn các người ra làm quan là khoa cử. Vậy ta phải xét lịch sử và chế độ khoa cử ở nước ta hồi xưa như thế nào.
Lịch sử khoa cử ở nước ta.- Như chương trước đã nói, trong các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, triều đình chưa kịp tổ chức việc học việc thi, mãi đến đời nhà Lý thì việc khoa cử mới bắt đầu qui định.
A) Lý (1009-1225)- Năm 1075, vua Lý Nhân tôn mở khoa thi Tam trường để kén người minh kinh bác học (rõ nghĩa sách và học rộng): nước ta bắt đầu có khoa cử tự đấy. Song trong triều nhà Lý, khoa cử chưa có thường lệ, cứ khi nào nhà vua cần người thì mở khoa thi: trừ khoa trên. Sử còn chép đến năm khoa nữa mở vào những năm 1086, 1152, 1165, 1185 và 1193.
Năm 1195, vua Lý Cao tôn mở khoa thi Tam giáo tức là: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo; xem đấy thì đủ biết Phật giáo bấy giờ được coi ngang hàng với Nho giáo.
B) Trần (1225-1400), phụ nhà Hồ (1400-1407) - Đến đời nhà Trần thì khoa cử đã có thường lệ và hai khoa thi chính là thi hương và thi hội , đã đặt ra.
1) Thi hội – Năm 1232, vua Trần Thái tôn mở khoa thì Thái học sinh (tức sau này là tiến sĩ) và đặt ra tam giáp, nghĩa là chia các người đỗ ra làm ba hạng: đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, và đệ tam giáp. Đến năm 1247, ngài lại đặt ra tam khôi (ba người đổ về đệ nhất giáp) là trạng nguyên (trùm đầu), bảng nhỡn (mắt bảng) và thám hoa (thăm hoa). Đến năm 1304, vua Trần Anh tôn đặt thêm tên Hoàng giáp để gọi người đỗ đầu về đệ nhị giáp. Năm 1374, vua Trần Duệ tôn mở khoa Đình thi (thi ở sân vua) lấy tiến sĩ Tên “tiến sĩ” bắt đâù có từ đấy. Nhưng mãi đến năm 1442, đời Lê Thái tôn mới chuyên dùng chữ “tiến sĩ” mà bỏ chữ “thái học sinh”. Năm 1396, vua Trần Thuận tôn qui định lại phép thi, cứ năm trước thi hương, năm sau thi hội: tên “thi hội” bắt đầu có từ đấy.
Còn kỳ hạn các khoa thi, thì năm 1246 vua Trần Thái tôn định cứ 7 năm một khoa. Đến năm 1404, Hồ Hán Thương định cứ 3 năm một khoa, nhưng vì nhà Hồ sắp mất ngôi, nên lệ ấy không thực hành được, mãi đến năm 1463 đời Lê Thánh tôn, lệ ấy mới theo.
2) Thi hương.- Năm 1396, vua Trần Thuận tôn đặt ra thi hương lấy cử nhân; thi hương bắt đầu có tự đấy.
3) Thi tam giáo- Đạo Phật về đời nhà Trần vẫn còn thịnh nên năm 127, vua Trần Thái tôn cũng có mở khoa thi tam giáo.
C) Hậu Lê (1428-1527) : phụ nhà Mạc (1527-1592) - Buổi đầu vua Lê Thái tổ chưa kịp lập lại các khoa thi thường lệ, ngài chỉ mở những khoa bất thường; khoa minh kính (rõ nghĩa sách) năm 1429, khoa hoành từ (lời lẽ lớn lao) năm 1431.
Đến năm 1434, vua Lê Thái tôn mới xuống chiếu định điều lệ thi hương, thi hội, hẹn đến năm 1438 thì mở khoa thi hương, năm 1439 thì mở khoa thi hội, rồi cứ ba năm lại mở một khoa. Nhưng thực ra thì khoa thi hội đâù tiên ở triều Lê mãi đến năm 1442 mới mở, mà lệ ba năm một khoa, đến năm 1463 (đời Lê Thánh tôn) mới thực hành được.
1) Thi hội.- Về khoa thi hội năm 1442, các tiến sĩ cũng chia làm tam giáp và cũng lấy tam khôi như lệ nhà Trần. Năm 1448, vua Lê Nhân tôn chia Tiến sĩ là cập đệ, chánh bảng và phụ bảng. Năm 1484, vua Lê Thánh tôn đổi trạng nguyên, bảng nhỡn, thám hoa làm tiến sĩ cập đệ, chánh bảng làm tiến sĩ xuất thân, phụ bảng là đồng tiến sĩ xuất thân. Năm 1466, ngài đặt ra lệ xướng danh (gọi tên các người trúng tuyển một cách long trọng) (xem Bài học thêm số 2) và lệ vinh qui (rước về nguyên quán). Năm 1484, ngài lại định khắc bia tiến sĩ; tên các ông tiến sĩ mỗi khoa đều khắc trên một tấm bia đá dựng ở Văn miếu Hà nội (hiện hãy còn). Ngài sai khắc tên các tiến sĩ tự khoa 1442 là khoa đầu tiên trở xuống.
2) Thi Hương.- Năm 1462, vua Lê Thánh tôn chia các người đổ thi hương làm hương cống (tức là cử nhân trước) và sinh đồ hai tên “hương cống và “sinh đồ” bắt đầu từ đấy.
Nhà Mạc, sau khi tiếm ngôi nhà Lê, cũng theo phép thi cũ của nhà Lê, cứ ba năm mở một khoa như trước .
D) Lê Trung hưng (1533-1789)- Sau khi nhà Lê trung hưng, mãi đến năm 1554, vua Lê Trung Tôn mới mở khoa thi. Buổi đầu thỉnh thoảng mở một khoa. Rồi đến năm 1590, lại mở thi Hội; từ đó về sau, lại theo lệ ba năm một khoa như đời Tiền Lê. Nhưng cách thi cử còn sơ lược; đến năm 1664 đời vua Lê Huyền tôn, Trịnh Tạc mới định lại qui thức thi Hội. Còn thi Hương thì đến năm 1678, đời Lê Hi tôn, mới định lại điêù lệ rõ ràng.
Trừ các khoa thi Hương, thi Hội, trong đời Lê Trung hưng lại mở những khoa thi bất thường; khoa Sĩ vọng, khoa Đông các, khoa Hoành từ và khoa Tuyển cử.
Nhưng sự thi cử đời bấy giờ không được nghiêm như đời Tiền Lê. Như năm 1750 đời Lê Hiển tôn, vì nhà nước thiếu tiền đặt ra lệ thu tiền thông kinh: hể ai nộp ba quan thì được đi thi Hương, không phải khảo hạch. Thành ra những người làm ruộng, đi buôn, ai cũng được nộp quyển vào thi ; rồi người thì dùng sách, kẻ thì thuê người làm bài, kẻ thực học mười người không được một .
Đ) Nguyễn triều.- Trong triều nhà Nguyễn, chế độ khoa cử cũng châm chước theo triều Hâu Lê, vẫn có hai khoa thi, thường lệ là thi hương và thi hội; thỉnh thoảng lại có mở các khoa bất thường nữa.
1)Thi hội- Trong đời Gia Long, chưa mở thi hội. Mãi đến năm 1882, vua Minh Mệnh mới mở khoa thi hội đầu tiên: các tiến sĩ cũng chia làm ba giáp như đời Lê; lệ xướng danh, vinh qui, khắc bia cũng theo như trước (các bia tiến sĩ về triều Nguyễn đều dựng ở Văn miếu trong kinh đô Huế. Năm 1229, Minh Mệnh thứ 10, dưới bực tiến sĩ , lại lấy thêm phó bảng (bảng phụ viết tên các ông này, đối với chánh bảng viết tên các ông tiến sĩ): danh hiệu “phó bảng” bắt đâù có từ đấy .
2) Thi hương – Khoa thi hương đâù tiên mở về triều Nguyễn là khoa năm 1807, Gia Long thứ 6. Trước còn định 6 năm một khoa, rồi đến năm 1825, Minh mệnh thứ 6, lại định ba năm một khoa, cứ các năm tý, ngọ, mão, dậu thì thi hương, các năm thìn, tuất, sửu, mùi thì thi hội. Năm 1828 Minh Mệnh thứ 9, đổi hương cống làm cử nhân, sinh đồ làm tú tài .
3) Các khoa thi bất thường - Trừ các khoa thi thường lệ, trong triều Nguyễn, lại mở các ân khoa (khoa thi gia ơn), cả hương lẫn hội, khi trong nước có việc vui mừng, như lễ đăng quang (vua lên ngôi), lễ vạn thọ, v.v. và các khoa thi đặc biệt như khoa hoành từ mở năm 1851, Tự đức thứ 4, khoa nhã sĩ mở năm 1865, Tự Đức thứ 18.
Thể thức và chương trình các khoa thi.- Tóm lại, ngày xưa nước ta có hai khoa thi chính thức: 1 thi hương hoặc hương thi (hương: từng vùng), để lấy cử nhân (hoặc hương cống) và tú tài (hoặc sinh đồ); 2 thi hội hoặc hội thi (hội; họp lại) để lâý tiến sĩ (trước là thái học sinh) và phó bảng. Vậy ta phải xét quả thể thức và chương trình hai khoa thi ấy.
A) Thể thức- Thi hương thì mở ở nhiều nơi (như về triều Nguyễn thì có các trường Thừa thiên, Gia Định, An Giang, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, còn lại thi hội thì các thí sinh họp lại cả ở kinh đô.
Hương thi chia làm bốn kỳ hoặc trường (có khi chỉ có ba trường; hoặc thi cả bốn trường, rồi mới theo văn bài mà lấy đỗ, đánh hỏng; lệ ấy gọi là quán quyển; hoặc trúng kỳ trước mới được vào kỳ sau, trúng được bốn trường thì đậu cử nhân, trúng ba trường thì đậu tú tài. (Xem bài đọc thêm số 3). Đậu cử nhân rồi mới được dự khoa thi hội.
Hội thi cũng chia làm bốn trường. Trúng cả bốn trường mới được vào thi đình hoặc đình thi (đình: sân vua) vì học trò làm văn ở sân điện nhà vua, không phải thi ở trường thi như mâý kỳ trước. nhưng ta nên nhận định thi không phải là một khoa thi riêng mà chỉ là kỳ cuối cùng của khoa thi tiến sĩ. Người nào nhiều số phân được lấy đỗ tiến sĩ, ít số phân được lấy đổ phó bảng.
B) Chương trình – Chương trình thi trước kia thế nào. Sử không chép rõ. Đến năm 1304, vua Trần Anh tôn định lại phép thi, thì chương trình bốn kỳ như sau: 1. kỳ đệ nhất : ám tả; 2. đệ nhị: kinh nghĩa, thơ, phú; 3. đệ tam: chiếu, chế, biểu; 4. đệ tứ: văn sách.
Năm 1396, đời vua Trần Thuận Tôn, bỏ ám tả và định kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa, đệ nhị thi thơ, phú, còn hai kỳ sau như cũ.
Năm 1404, Hồ Hán Thương thêm vào một kỳ thứ năm thi thư (viết) và toán (tính).
Năm 1434 vua Lê Thái Tôn định lại phép thi: kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa; đệ nhị thi chiêú, chế, biểu; đệ tam thi thơ, phú, đệ tứ thi văn sách. Suốt đời nhà Lê, cả thi hương và thi hội đều châm chước theo chương trình ấy .
Vua Gia Long khi mở khoa thi hương thi chương trình theo đúng như đời hậu Lê. Đến năm 1832, vua Minh Mệnh sửa lại phép thi; cả thi hương và thi hội, bốn kỳ rút bớt đi một kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa; đệ nhị thi thơ, phú; đệ tam thi văn sách.
Năm 1850, vua Tự Đức lại lập lại bốn kỳ: cả thi hương và thi hội, kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa; kỳ đệ nhị văn sách; kỳ đệ tam thi chiếu, biểu luật; kỳ đệ tứ thi thơ, phú; còn thi đình thì đối sách một bài.
Năm 1858, Tự Đức thứ 11, lại rút các kỳ thi xuống ba: kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa: kỳ đệ nhị thi chiếu, biểu, luận; đệ tam thi văn sách; còn kỳ đệ tứ thi thơ, phú bỏ đi.
Năm 1876, Tự Đức thứ 29, kỳ đệ nhị của khoa thi hương lại bỏ chiếu, biểu, luận mà thi thơ, phú.
Năm 1884, Kiến Phúc nguyên niên, thi hương, trừ ba kỳ trước, lại đặt thêm kỳ phúc hạch (xét lại) thi lược bị một bài kinh nghĩa, một bài phú, một bài văn sách (1).
Kết luận. _ Khoa cử ở nước ta bắt đầu có tự đời Lý, đến đời Trần thì đã có thường lệ, đời Hậu Lê thì đặt thêm các điều vinh dự để hậu đãi người có khoa mục. Chương trình thì trong các triều đều đại đồng tiểu dị, chỉ chú trọng về văn chương mà không hỏi về các khoa thực dụng. Duy có họ Hồ muốn cải cách đôi chút, thêm vào một kỳ thi toán pháp là có ý lưu tâm đến thực học, nhưng vì họ Hồ mất ngôi ngay, nên sự cải cách âý không có hiệu quả. Chính vì chế độ khoa cửa ấy mà cái học từ chương, thói chuộng hư văn một ngày một lưu tệ và bao nhiêu người thông mình tuấn tú, trong nước đêù xô nhau vào trường khoa cử không ai lưu tâm đến khoa học và kỹ nghệ, thương mại nữa.
--
(1) Trên đây là nói về chương trình các khoa thi lối cũ của ta. Theo đạo dụ ngày 31 tháng năm 1906 (xem lại Chương thứ VII, Lời chú (1) thì chương trình thi hương đôỉ lại, về phần chữ Nho thì bỏ kinh nghĩa và thơ phú, chỉ có văn sách và luận, về phần chữ quốc ngữ thì có bài luận và những bài hỏi về địa dư, cách trí, và toán pháp; lại thêm những bài dịch chữ Pháp (trước còn cho bất nguyện giả bất cưỡng, sau thì bắt buộc). Chương trình thi hội cũng đổi lại: về phần chữ Nho chỉ giữ văn sách, chiếu biểu, dụ, tấu , sớ, biểu văn và luận, còn thêm vào những bài chữ quốc ngữ và chữ Pháp.
--
CÁC BÀI ĐỌC THÊM
1. Chức vụ của nhà nho
Cái tên “nhà nho” không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước. Vì xưa kia ngoài Nho học không có cái học nào khác nữa, nên phàm người đi học là học đạo Nho hết cả. Đạo Nho có cái địa vị độc tôn, nên hâù như thành một tôn giáo; mà thực ra cũng chính là cái quốc giáo của nước Nam từ xưa đến giờ.
Những người phụng sự cái quốc giáo đó, tức là nhà nho. Vậy thời nhà nho là kẻ có học hành, biết chữ nghĩa; nhà nho là bậc thức giả xã hội trong nước; nhà nho là tín đồ của cái tôn giáo họ Khổng. Về đường xã hội, về đường chính trị, về đường trí thức, tinh thần đêù có một cái địa vị đặc biệt, đối với một chức vụ đặc biệt.
Chức vụ này cao quí, có thể gọi là một thiên chức được, vì là chức vụ hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước. .. Xã hội nước ta chỉ có hai giai cấp lớn: một hạng bình dân, là dân quê làm ruộng, một hạng học thức, tức là nhà nho. Hạng bình dân coi hạng học thức là thầy dạy bảo, là người đưa đường , sẳn lòng phục tòng, không có đố kỵ. Hạng học thức cũng tự nhận cái chức trách đó, không lạm dụng, không kiêu căng, vì coi ,mình như kẻ giáo sĩ của đạo Khổng, Mạnh, thiên hạ thờ là thờ đạo, kính là kính đạo, mà nhớ cái dư oai của tôn giáo mới khiến cho mình có một địa vị tôn trọng vậy. Muốn cho xứng đáng với địa vị đó, thời như ông linh mục tuyên truyền đạo giáo, phải đem cái đạo thánh hiền, cái học của tiên nho mà truyền dạy trong dân gian, đem thân tiêu biểu cho danh giáo, hộ vệ cho đạo đức. Mà thật thế; nhà nho chân chính thật là chức linh mục của đạo Khổng , Mạnh. Đạo này là một đạo thông thường, một đạo nhập thế không có gì là siêu nhiên thần bí cho nên những người tuyên truyền phụng sự cũng không cần phải phát nguyện tu hành gì. Nhưng cái chức vụ truyền đạo dạy đời thời cũng chẳng khác gì nhà giáo sĩ, chức linh mục của các đạo khác vậy.
Phạm Quỳnh
Nhà Nho
(Nam Phong tạp chí, t.XXX, số 172, tháng 5 năm 1932)
2. Lể xướng danh trong khoa thi hội về Bản triều
Ngày xướng danh gọi là ngày truyền lô. Hôm đó, bày nghị vệ đại triều ở đền Thái Hòa, các quan mặc đồ triêù phục, chia ban đứng chầu, phụng Hoàng thượng ra ngự điện, rồi quan Khâm mạng tâu lại việc thi, quan Giám thí thì triệu các tân khoa tiến sĩ vào nhà công văn, phụng mệnh vua mà ban thưởng mỗi người một bộ áo mũ. Các tiến sĩ qui lãnh rôì, quan Lễ bộ dẫn vào quì sắp hàng trước sân rồng rồi qua Truyền Lô cầm sổ theo thứ tự mà xướng danh. Đâu đấy mới treo bảng ở trước lầu Phú văn ba ngày.
Sau khi ra bảng, ban ăn yến tại dinh Lễ bộ và ban cho mỗi người một cành kim trâm. Sáng hôm ấy , các quan trường và các tân khoa tiến sĩ mặc đồ triều phục, lễ vọng tạ ơn ban yến. Ăn yến đoạn, mỗi ông tân khoa phải dâng một bài biểu tạ ơn.
Quan Lễ bộ lại dẫn các quan Giám thị và các ông tân khoa vào vườn Ngự uyển xem hoa, mỗi người đều mặc đồ triều phục cưỡi ngựa che lọng, xem hoa xong thì ra từ cửa thành đông mà đi diễu xem các phố xá .
Phan Kế Bính
Việt Nam Phong Tục
(Đông dương tạp chí, lớp mới, số 41)
Cách thức thi hương về Bản triều
Đại để phép thi của ta, cứ năm nào đến khoa thi thì quan Đốc học các tỉnh phải sát hạch học trò, ai đỗ hạch mới được đi thi. Gần đến tháng thi, học trò đỗ hạch và những tú, ấm phải nộp quyển trước cho quan Đốc học bản hạt, mỗi người nộp ba quyển, mỗi quyển độ một hai chục tờ, đóng bằng giấy thi,mặt quyển để họ tên, niên canh, quán chỉ và phải khai họ tên, nghề nghiệp tổ phụ tam đại nhà mình. Quan Đốc sai lễ sinh thâu quyển, rồi đóng hòm tử tế, làm danh sách, đợi đến ngaỳ thi thì đem nộp cho quan trường.
Quan trường thì do tự Bộ cử ra một ông Chánh chủ khảo, một ông Phó chủ khảo, còn mấy ông Giám khảo, Đề diệu, Phân khảo, Giám sát, Phúc khảo, Sơ khảo thì tùy tràng to nhỏ mà cử nhiêù hoặc ít. Chánh, phó chủ khảo giữ quyền ra đâù bài, chấm quyển lần sau cùng là lấy người đổ; Phân khảo có quyền xét lại những quyển hỏng; Giám, Sơ, Phúc thì chỉ được phép chấm quyển ba lần trước mà thôi. Để điệu, Giám sát thì coi về việc giữ quyển và kiểm xét sự gian phi của quan trường và của học trò; lại phải vài chục người lại phòng để coi việc nhận quyển, làm sổ sách, viết bảng, vân vân.
Trước hôm thì vài ngày, các quan trường vào trang thi gọi là ngày tiến trường. Tiến trường rồi thì bốn mặt trường có linh canh giữ nghiêm cẩn, cấm không ai được tự tiện ra vào nữa.
Hôm học trò vào trường thi chia làm bốn vi hoặc tám vi, mỗi vi có một cửa, ai vào cửa nào, quan trướng phải yết bảng trước cho học trò biết.
Học trò mỗi người vác một lều chiếu, cổ đeo ống quyển, bầu nước, vai đeo một cái tráp chứa đồ ăn, thức dùng, phải chực sẳn ở ngoài cửa trường từ đêm.
Tan ba hồi trống thì quan trường chia nhau, mỗi ông võng lọng ra một cửa; quan Chánh ra cửa giáp, quan phó ra cửa ất, quan Phân, quan giám ra hai cửa tả, hữu, mỗi cửa đốt hai cây đinh liệu sáng rực trời, quan trường áo mũ đai mằng ngồi trên ghế chéo, sai lại phòng xướng danh, giao quyển cho học trò vào trường.
Học trò vào đóng lều đâu đấy, sáng rõ thì có đâù bài Học trò phải tĩnh túc mà làm văn. Đến trưa phải đem quyển vào nhà thập đạo lấy dấy nhật trung. Tối làm văn xong thì nộp quyển. Bấy giờ quan trường hội ở cả nhà thập đạo, học trò nộp quyển rồi thì cứ do cửa tiền mà ra.
Phan Kế Bính
Việt Nam Phong tục
(Đông Dương tạp chí, lớp mới, số 41)
CÁC TÁC PHẨM ĐỂ KÊ CỨU
1) Phạm Quỳnh, Nhà nho, NP , t.XXX, số 172, tr.449-458.
2) Tuyết huy, Khảo cứu về sự thi ta. N.P.t.IV số 23, tr.373-385/
3) Nghĩa viên Nguyễn văn Đào, Hoàng Việt khoa cử kinh N.P. tVIII, phần chữ nho, tr.60-64, 97-100; 138-143.225.-227, t/IX, tr.59-62, 168-168, t.XIV, tr.85-85. 105-107;t.XV,tr.12-15;23-26.
4) 4) Hch.1.26-38 Khoa mục chí (đã in trong N.P, tXXVIII)
5) Trần Văn Giáp, Lược khảo về khoa cử Việt Nam từ khởi thủy đến khoa Mậu ngọ (1918) , KTTĐTS, số 2 và 3, tr.41.tđ.